Về thời sự quốc tế, các hồ sơ lớn được các nhật báo chú ý đến là thị trường bất động sản Trung Quốc đang đi xuống, chuyến công du của Tổng thống Nhật Shinzo Abe tại Pháp và Châu Âu, hỗn loạn và bạo lực tại Ukraina làm cho các quốc gia lân cận như Phần Lan, Thụy Điển và các quốc gia vùng Ban tích lo ngại.
Trước tiên, báo Le Monde dành một hồ sơ lớn phân tích tình hình thị trường bất động sản tại Trung Quốc. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại Trung Quốc được tán thưởng như một huyền thoại. Thế nhưng phía sau vầng hào quang đó là những rủi ro về kinh tế và những xung khắc trong xã hội. Nguyên nhân là gì?
Trung tâm kinh doanh tài chính tại Thượng Hải - REUTERS /Aly Song
|
Theo thông tín viên báo Le Monde tại Thường Châu, ngoại trừ bốn thành phố lớn nhất của Trung Quốc là Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Đông và Thẩm Quyến, thị trường bất động sản Trung Quốc không ngừng giảm giá. Nguyên nhân là cung lớn hơn cầu. Các chương trình xây dựng vô cùng nhiều trong khi nhu cầu tậu nhà cửa lại giảm.
Tại 40 thành phố chính của Trung Quốc, lượng giao dịch bất động sản vào quý I giảm 26% so với năm 2013 và thậm chí còn rơi xuống 29% vào tháng 4/2014. Để giải quyết tình hình này, Đảng và chính quyền Trung Quốc cố gắng khuyến khích người dân tiếp tục đầu tư vào bất động sản. Một chuyên gia thuộc đại học kinh tế- tài chính Thượng Hải nhận định : « Nhà cửa xây dựng quá nhiều. Người dân không tin tưởng lắm vào bất động sản, trong khi giá cả vẫn còn rất cao. Thị trường cần phải điều chỉnh cho phù hợp với túi tiền người dân ».
Tác giả báo Le Monde cho biết, tùy vào kích cỡ mà các thành phố Trung Quốc bị ảnh hưởng khác nhau. Vầng hào quang của bốn thành phố lớn Trung Quốc là Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Đông và Thẩm Quyến thì vẫn tiếp tục thu hút hàng trăm triệu cư dân mới hàng năm. Những ai giàu có lắm mới tậu được một căn hộ tại đây và có điều kiện gia nhập vào một thị trường lao động năng động và cho con cái theo học các trường nổi tiếng .
Trái lại, vô số các thành phố hạng hai, hạng ba của Trung Quốc lại đánh giá quá cao sức hút của mình, ví dụ như Thường Châu. Một người dân sống tại đây nhận định, cuộc sống rất thoải mái với 4 triệu dân, nhưng thành phố này không có những công ty lớn có thể thu hút được tài năng. Đa số bạn bè anh đều chọn Thượng Hải để làm việc.
Trong đời sống chính trị tại Trung Quốc, sự nghiệp của các cán bộ địa phương còn phụ thuộc vào khả năng của họ có đáp ứng được các mục tiêu tăng trưởng mà chính quyền trung ương đưa ra hay không. 30% thu nhập của các thành phố là từ việc nhượng đất cho các nhà môi giới địa ốc cho nên các khu chung cư thì cứ mọc lên như nấm mà nhu cầu mua sắm của người dân thì không là bao.
Bắc Kinh muốn kiểm soát quá trình đô thị hóa
Một trong những biện pháp kiểm soát quá trình đô thị hóa là sổ hộ khẩu. Loại hộ chiếu nội địa này bị chỉ trích mạnh mẽ do đã tạo ra một nhóm công dân di cư không được hưởng những dịch vụ công cộng tại thành phố mà họ góp phần xây dựng. Loại thẻ cư trú này được cấp dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau như trình độ học vấn, loại công việc đảm nhận, tài sản của ứng cử viên và tầm cỡ của thành phố.
Thành phố càng lớn thì tiêu chí cấp thẻ cư trú càng khó. Những thành phố nhỏ nhất Trung Quốc thì được khích lệ nên giảm nhẹ các luật lệ để hội nhập càng nhiều người ở nông thôn, còn đối với những thủ phủ trên 5 triệu dân thì phải kiểm soát gắt gao những người thành thị mới.
Giáo sư kinh tế Eswar Prasad tại đại học Cornell Hoa Kỳ trả lời cho câu hỏi mà báo Le Monde đặt ra: Đâu là tác động của việc thị trường bất động sản chựng lại, trên tổng thể nền kinh tế Trung Quốc? Theo ông, rủi ro đầu tiên khi thị trường địa ốc sụp đổ không chỉ kéo theo sự bùng nổ của hệ thống tài chính, mà hậu quả đó còn vô cùng nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Ông muốn so sánh sự khác nhau của tình trạng này giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tại Hoa Kỳ, người dân vay tín dụng ngân hàng để mua nhà ở, trong khi tại Trung Quốc, khi có tiền thì người ta đầu tư vào địa ốc. Do đó, khi ngành địa ốc rơi vào khủng hoảng thì đồng nghĩa với việc thu nhập người dân Trung Quốc giảm và kéo theo sức tiêu thụ kém. Các hộ gia đình bớt giàu đi. Hơn nữa, ngành địa ốc còn chiếm một tỷ trọng quan trọng trong tổng sản phẩm nội địa GDP, nên lĩnh vực địa ốc đình đốn kéo theo hệ lụy cho các ngành sản xuất xi măng, ngành luyện kim …
Dân nổi dậy vì bị trưng thu đất đai
Thông tín viên báo Le Monde tại Thượng Hải nhận định, mặc dù vài năm gần đây, chính quyền đã có cố gắng trong việc đền bù cho người dân có đất bị trưng thu, nhưng bị cưỡng chế đất đai vẫn là một trong những nguyên nhân chính làm cho người dân nổi dậy.
Phóng viên tường thuật, gia đình ông Sâm Vĩnh (Shen Yong) ở Thượng Hải đã bị trục xuất ra khỏi nhà mình vào năm 2008. Đây là một khu phố đang phát triển mạnh tại Thượng Hải. Để đền bù, chính quyền cấp cho họ hai căn hộ trong một xó xỉnh rất xa trung tâm.
Do chống đối việc cưỡng chế, ông Sâm Vĩnh được mời lên sở cảnh sát và đã chết sau đó. Theo nhận định của bạn ông là do ông đã bị hành hung, nhưng trên trang blog, chính quyền Thượng Hải biện hộ là « ông bị ngã sau khi leo lên xe hơi ».
Mới đây, một vụ khác tại tỉnh Sơn Đông là vụ 270 hecta trong làng đã bị Đảng nhượng lại bất hợp pháp cho một công ty kinh doanh địa ốc để xây một khu chung cư. Theo tạp chí Caixin (Thái Tín), chữ ký của những đại diện dân làng bị gian lận : một trong những người đó đã chết vào năm 1969, một người khác thì không hề hiện hữu.
Lê Vy, rfi