Xã hội đang già đi là một xã hội chậm chạp hơn và ít công bằng hơn, trừ khi chính sách bắt đầu thay đổi ngay từ bây giờ.
Hôm qua (3/5), Warren Buffett – “biểu tượng của chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ” – lại trở thành nhân vật được mong chờ nhất tại đại hội cổ đông thường niên của tập đoàn Berkshire Hathaway. Đã bước sang tuổi 83, ông cũng là hình ảnh thu nhỏ của một bộ phận khá đặc biệt trong cơ cấu dân số thế giới hiện nay: những người cao tuổi rất minh mẫn, sáng suốt và vẫn làm việc hiệu quả.
Trên khắp các nước phát triển, những người có trình độ cao có thời gian làm việc ngày càng dài hơn so với những người có trình độ thấp. 65% nam giới Mỹ trong độ tuổi 62 – 74 và có bằng cấp vẫn đang tham gia vào lực lượng lao động, trong khi tỷ lệ đối với người chỉ bằng tốt nghiệp cấp 3 là 32%. Liên minh châu Âu cũng có xu hướng tương tự.
Khoảng cách này chỉ là một khía cạnh của sự phân chia ngày càng sâu sắc giữa bộ phận giàu có, có học thức cao và những người nghèo có trình độ thấp. Khoa học công nghệ phát triển như vũ bão khiến thu nhập của những người có trình độ cao tăng lên và thu nhập của những người có trình độ thấp giảm xuống. Bộ phận có trình độ cao cũng nghỉ hưu muộn hơn.
Thế giới có nhiều người già hơn và thông thái hơn
Thế giới đang ở thời kỳ đỉnh điểm của xu hướng già hóa dân số, đồng thời người già cũng có độ tuổi trung bình cao nhất từ trước tới nay. Trong 20 năm tới, số người từ 65 tuổi trở lên trên toàn thế giới sẽ tăng gần gấp đôi, từ 600 triệu lên 1,1 tỷ người. Những gì đã diễn ra trong thế kỷ 20 cho thấy số năm nghỉ hưu nhiều hơn số năm làm việc sẽ dẫn đến kinh tế tăng trưởng chậm hơn, đồng thời lương hưu cũng trở thành gánh nặng đối với ngân sách chính phủ.
Tuy nhiên, kết luận trên chưa tính đến sự phân chia giữa hai nhóm lao động có trình độ cao và lao động trình độ thấp. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ thiếu kỹ năng đang tăng lên, trong khi nhóm người già có trình độ cao nghỉ hưu muộn hơn. Xu hướng này thể hiện rõ ràng nhất ở Mỹ, nơi nhóm baby – boomers (những người sinh ra trong khoảng thời gian 1946 – 1964) trì hoãn việc nghỉ hưu trong khi nhóm người trẻ thiếu kỹ năng rời khỏi lực lượng lao động.
Chính trị là một nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Nhiều chính phủ châu Âu đã bãi bỏ những chính sách từng được sử dụng để khuyến khích người lao động nghỉ hưu sớm. Tuổi thọ tăng lên trong khi phần lương hưu hào phóng bị cắt giảm khiến người lao động phải làm việc lâu hơn nữa để có cuộc sống dễ chịu sau khi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, sự thay đổi trong bản chất công việc cũng đóng vai trò quan trọng. Mức lương trả cho những người có trình độ cao ngày càng tăng lên, đồng thời những người cao tuổi có trình độ cao thậm chí còn làm việc năng suất hơn so với người trẻ. Những kỹ năng mà máy móc hiện đại không thể thay thế như kinh nghiệm quản lý hay sáng tạo không hề sụt giảm theo tuổi tác.
Xu hướng này không chỉ làm lợi cho những người già giàu có mà còn cho toàn xã hội. Tăng trưởng không chậm chạp như trước trong khi gánh nặng đối với ngân sách chính phủ được giảm bớt (không chỉ giảm lương hưu mà những người già vẫn làm việc sẽ đóng thuế nhiều hơn). Do đó, những nước giàu hơn sẽ dễ dàng đối phó với dân số già hóa hơn so với những xã hội như Trung Quốc – nơi có một nửa trong số những người từ 50 – 64 tuổi chưa tốt nghiệp tiểu học. Đối với bộ phận lao động chân tay, nhận lương hưu lại là lựa chọn hấp dẫn hơn so với lương thấp hoặc thất nghiệp.
Tuy nhiên, người già giàu có cũng tiết kiệm nhiều hơn và do đó làm lực cầu yếu đi. Chênh lệch giàu nghèo gia tăng và cuối cùng thì số tài sản sẽ được chuyển cho thế hệ sau thừa kế, do đó càng làm sâu sắc thêm chênh lệch giàu nghèo.
Giải pháp để đối phó với tình trạng này là áp mức thuế thừa kế cao hơn nhằm hối thúc người già chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, giải pháp cốt lõi là tác động vào thu nhập thông qua cải cách hệ thống giáo dục và hưu trí thay vì phân bổ lại thu nhập.
Không nên quy định thời điểm nghỉ hưu bằng độ tuổi. Chế độ phúc lợi xã hội nên được cải cách theo hướng tạo nhiều cơ hội hơn cho những người có trình độ cao. Quan trọng hơn cả là tăng cường đầu tư công vào lĩnh vực giáo dục ở mọi độ tuổi, sao cho người lao động có được các kỹ năng cần thiết để sống tốt trong thị trường lao động hiện đại. Ngày nay, nhiều chính phủ có xu hướng đầu tư vào việc đào tạo lại những người lớn tuổi vốn sẽ nghỉ hưu sớm hơn.
Tuy nhiên, nếu người lao động có thể làm việc lâu hơn, khoản đầu tư này sẽ có nhiều ý nghĩa hơn. Một người 60 tuổi không thể trở thành kỹ sư máy tính, nhưng họ có thể học những kỹ năng hữu ích hơn (như chăm sóc cho nhóm người già cả).
Các chính phủ đã sẵn sàng cho những thay đổi này hay chưa? Khó có thể lạc quan nếu quan sát tình hình ở các nước phát triển. Các chính trị gia gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai những cải cách mang tính đột phá. Ví dụ, mặc dù là nước có tốc độ già hóa nhanh chất châu Âu, Đức đang có kế hoạch hạ tuổi nghỉ hưu cho một số người. Ở Mỹ, cả chương trình an sinh xã hội cho tuổi hưu trí và hệ thống trợ cấp cho người tàn tật đều chưa hề được cải cách. Các chính trị gia cần phải thuyết phục nhóm cử tri cao tuổi có trình độ thấp tiếp tục là việc. Và, đây là việc không hề dễ dàng. Tuy nhiên, tăng trưởng ì ạch và chênh lệch giàu nghèo tăng lên là những điều còn tồi tệ hơn.
Thu Hương
Theo Trí Thức Trẻ/Economist