HÀ NỘI (NV) .- Một chuyên gia kinh tế tại Việt Nam vừa lên tiếng cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ ngay sau khi Thủ tướng CSVN phê duyệt “Kế hoạch vay và trả nợ năm 2014”.
|
Các trụ xây dựng dở dang cho đường sắt trên cao ở trung tâm thành phố Hà Nội. Dự án dùng vốn vay ODA của Nhật, bị trì hoãn vì nhiều lý do giữa lúc nợ công của Việt Nam ngày một gia tăng. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images) |
Theo “Kế hoạch vay và trả nợ năm 2014”, năm nay Việt Nam sẽ vay thêm 400 ngàn tỉ đồng (tương đương 20 tỉ Mỹ kim). Ông Phạm Thế Anh, Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế vĩ mô của Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, nhận định, 400 ngàn tỉ tương đượng 10% GDP và việc vay thêm tiền là nhằm để trang trải các khoản đã đến hạn phải trả nợ gốc và trả lãi.
Năm ngoái Việt Nam vay thêm 200 ngàn tỉ đồng. Năm nay, tăng gấp đôi do nợ nần càng lúc càng lớn. Trong 400 ngàn tỉ đồng dự kiến sẽ vay, có 70 ngàn tỉ đồng (tương đương 3 tỉ Mỹ kim) là để “đảo nợ”. “Đảo nợ” là cách gọi việc vay thêm để trả những khoản nợ từng vay nhưng không trả nổi. Ông Anh nhận định, những số liệu vừa kể cho thấy sức ép nợ nần cộng với thâm hụt ngân sách đang rất lớn.
Năm ngoái, chế độ Hà Nội cho biết, tính đến hết năm 2012, nợ nần của Việt Nam chiếm 55.7% GDP. Bởi Quốc hội Việt Nam cho phép chính phủ được vay khoản tiền tương đượng 65% GDP, nên Bộ Tài chính Việt Nam khẳng định, nợ nần đang ở mức an toàn.
Giống một số chuyên gia kinh tế khác, ông Phạm Thế Anh phản bác quan điểm cho rằng, nợ nần của Việt Nam đang ở mức an toàn, bởi nếu cộng cả nợ nần của khối doanh nghiệp quốc doanh, nợ nần của Việt Nam đã vượt xa ngưỡng 65% GDP.
Ông Anh khuyến cáo, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách và đầu tư tràn lan như hiện nay, không nên đặt vấn đề tỉ lệ nợ tính trên GDP bao nhiêu phần trăm là an toàn nữa. Điều cần phải xem xét là tốc độ gia tăng nợ nần như hiện nay có ảnh hưởng tới phát triển bền vững hay không.
Theo tính toán của ông Anh, cứ tạm chấp nhận Việt Nam đang gánh khoản nợ khoảng 55.7% GDP thì khoản nợ này tương đương 90 tỉ Mỹ kim. Nếu một nửa khoản này (45 tỉ Mỹ kim) là nợ vay trong nước và lãi suất chừng 10%/năm thì mỗi năm, Việt Nam phải trả lãi khoảng 4 đến 5 tỉ Mỹ kim. Nửa còn lại (45 tỉ Mỹ kim) vay nước ngoài và lãi suất chừng 2.5%/năm thì mỗi năm phải trả lãi hơn 1 tỉ Mỹ kim nữa. Như vậy, chưa tính nợ gốc, mỗi năm, riêng tiền lãi, Việt Nam đã mất 6 tỉ Mỹ kim.
|
Biểu đồ khoản nợ mà nhà cầm quyền CSVN phải trả hàng năm từ 2010 đến nay cho thấy chỉ trong vòng bốn năm, nợ phải trả tăng khoảng 2.5 lần. (Hình: Tuổi Trẻ) |
Ông Anh lưu ý vì số nợ mà chế độ Hà Nội công bố chính thức (55.7% GDP, tương đương 90 tỉ Mỹ kim), không bao gồm những khoản nợ mà nhà cầm quyền trung ương còn thiếu nhà thầu các công trình xây dựng (ước đoán lên tới 45 ngàn tỉ), nợ của khối doanh nghiệp nhà nước (ước đoán 1 triệu 600 ngàn tỉ, tương đương 80 tỉ Mỹ kim) nên tổng nợ thực đã vượt quá 100% GDP và ít nhất cũng đang ở mức 180 tỉ USD. Khoản nợ khổng lồ này gấp bốn lần tổng thu ngân sách hàng năm của Việt Nam.
Ông Anh chỉ trích quan điểm của Bộ Tài chính Việt Nam rằng, nợ nần của Việt Nam không đáng lo bởi đó là vay để đầu tư. Theo ông Anh, nếu xem xét kế hoạch ngân sách năm nay thì tổng thu ngân sách thấp hơn mức “chi thường xuyên”, thành ra chuyện vay mượn là để tiêu dùng chứ không phải vay để đầu tư, phát triển.
Ông Anh cảnh báo, nếu tốc độ vay tiếp tục cao hơn tốc độ tăng nguồn thu cho ngân sách, Việt Nam sẽ phải vay càng ngày càng nhiều để trả nợ cũ. Bởi chuyện vay nợ không phải là vô hạn. Nếu vì lý do gì đó không thể vay đủ theo nhu cầu thì Việt Nam sẽ vỡ nợ.
(G.Đ)
NguoiViet