Hơn 400 người đã bị thương khi một ngôi sao chổi bay ngang bầu trời vùng núi Ural của Liên bang Nga, gây ra nổ lớn.
Quan chức và dân chúng vùng Chelyabinsk đã nói có sự hoảng loạn vì ban đầu không ai biết đấy là chuyện gì.
Một số người bị thương vì kính vỡ nhưng tin về các vụ nổ khí đốt ở Nga và Trung Á sau đó được xác nhận là không có thực.
Sergey Hametov, dân Chelyabinsk, cách Moscow 1500 km về phía Tây cho AP hay ông thấy một vệt sáng lớn bùng lên và tiếng nổ như sấm sét.
Mảnh sao chổi cũng rơi xuống vùng thưa thớt dân cư quanh Chelyabinsk, theo Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Nga.
Chấn động mạnh
Bộ Nội vụ Nga cũng qua lời người phát ngôn Vadim Kolesnikov xác nhận có hơn 400 người dân bị thương, và ba người hiện ở trong tình trạng nghiêm trọng.
Đa số bị thương từ mảnh kính vỡ vì chấn động của tiếng nổ do sao chổi gây ra.
Theo ông Kolsenikov, mái nhà rộng 600 mét vuông của một nhà máy kẽm trong vùng cũng bị sập.
Người ta cũng mô tả nhà cao tầng ở Chelyabinsk bị chấn động.
Tại Yekaterinburg, ông Viktor Prokofiev đang lái xe đi làm thì chứng kiến sao chổi bay qua.
Mạng xã hội Nga đăng ảnh chụp trời bừng sáng vì sao chổi
Ông nói với Reuters:
"Trời còn khá tối nhưng đột nhiên sáng rực như ban ngày và ánh sáng làm tôi bị chói mắt như ánh đèn pha xe hơi."
Các bản tin nói vụ sao chổi xảy ra lúc trời quang mây tạnh.
Hãng AP cho rằng đây là một vụ mảnh vụn sao chổi rơi vào khí quyển.
Nhưng một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Nga, bà Elena Smirnikh được hãng tin Nga Interfax trích lời nói đấy ‘là một ngôi sao chổi’.
Tại vùng Tyumen thuộc Siberia cũng có mảnh sao chổi rơi xuống.
Cùng ngày thứ Sáu 15/2, một thiên thạch to gần bằng bể bơi Olympic (45 mét) sẽ di chuyển gần Trái Đất.
Thiên thạch sẽ đến điểm gần nhất với Trái Đất ở khoảng cách 27 nghìn 700 km vào lúc 19:25 giờ GMT.
Theo ban khoa học của BBC, thiên thạch này sẽ không có va chạm gì với Trái Đất.
Cũng không có liên hệ gì giữa hai sự kiện thiên thạch và sao chổi trong ngày.
theo bbc