Các nhà thiên văn học vừa tìm thấy một trong những hành tinh trẻ nhất từ trước đến nay.
Mô phỏng hành tinh TIDYE-1b
Chỉ mới 3 triệu năm tuổi, hành tinh TIDYE-1b (còn được gọi là IRAS 04125+2902 b) thực tế vẫn còn trong giai đoạn trứng nước. Để so sánh, Trái đất đã 4,5 tỉ năm tuổi: tức là già hơn 1.500 lần.
Việc phát hiện ra một hành tinh trẻ như vậy có thể giúp cho các nhà khoa học hiểu thêm rất nhiều điều về giai đoạn đầu của quá trình hình thành một hành tinh. Những đặc điểm riêng biệt của hành tinh này cũng khiến các nhà khoa học phải đánh giá lại các mô phỏng về sự ra đời của hành tinh.
Madyson Barber, tác giả chính của phát hiện cho biết: "Việc khám phá ra những hành tinh như thế này cho phép chúng ta nhìn lại quá khứ, thoáng thấy quá trình hình thành hành tinh khi nó diễn ra".
Barber đã phát hiện ra TIDYE-1b bằng phương pháp quá cảnh. Khi một hành tinh đi qua phía trước ngôi sao của nó, làm mờ ánh sáng tới mắt người quan sát và trong trường hợp này là kính viễn vọng TESS của NASA. Trước đây, hơn một chục hành tinh trẻ trong phạm vi 10-40 triệu năm tuổi đã được tìm thấy thông qua phương pháp quá cảnh, nhưng TIDYE-1b vượt trội hơn tất cả.
Đây là một phát hiện hiếm có vì trong trường hợp bình thường, các hành tinh trẻ như vậy thường bị che khuất bởi khí và bụi tạo nên 'đĩa tiền hành tinh'.
Phó giáo sư tại UNC-Chapel Hill Andrew Mann giải thích: "Các hành tinh thường hình thành từ một đĩa phẳng gồm bụi và khí. Đó là lý do tại sao các hành tinh trong Hệ mặt trời của chúng ta được sắp xếp theo kiểu 'phẳng như bánh kếp'. Nhưng ở đây, đĩa bị nghiêng, không thẳng hàng với cả hành tinh và ngôi sao của nó – một bước ngoặt đáng ngạc nhiên thách thức sự hiểu biết hiện tại của chúng ta về cách các hành tinh hình thành".
Chính vì TIDYE-1b quay quanh ngôi sao của nó ở một góc khác so với đĩa tiền hành tinh chính, nên nó có thể nhìn thấy được mặc dù còn trẻ.
Thường phải mất hơn năm triệu năm để một đĩa như vậy bị xóa sạch trong một hệ sao trẻ. Bởi vậy, đây có thể là một sự may mắn mà nếu TIDYE-1b quay như bình thường trên mặt phẳng của đĩa bụi, các nhà thiên văn học sẽ không thể nhìn thấy hành tinh này.
Hành tinh này cũng rất gần với ngôi sao chủ, hoàn thành một vòng quanh sao chủ trong thời gian chỉ khoảng chín ngày. Các nhà nghiên cứu tin rằng đây là ví dụ về thứ mà một ngày nào đó sẽ trở thành 'siêu Trái đất' hoặc 'sao Hải Vương, một loại hành tinh không có trong hệ mặt trời của chúng ta nhưng có vẻ phổ biến trong Ngân hà rộng lớn. TIDYE-1b không đặc bằng Trái đất, nhưng đường kính của nó lớn hơn khoảng 11 lần.
Phát hiện này cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng các hành tinh có thể hình thành sớm hơn so với trước đây. Việc thiếu các ví dụ về các hành tinh trẻ hơn 10 triệu năm được tìm thấy cho đến nay không phải vì chúng không tồn tại mà chỉ do chúng thường bị đĩa bụi làm khuất khỏi tầm quan sát mà thôi.