Một phân tích khoa học mới đây kết luận rằng sự nóng lên toàn cầu 'rất có thể' là nguyên nhân gây ra lượng mưa kỷ lục tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Theo phân tích khoa học được công bố hôm 25/4, trận mưa kỷ lục đổ xuống UAE và Oman vào giữa tháng 4, gây ra lũ lụt và cảnh hỗn loạn chưa từng có, một phần là do biến đổi khí hậu.
Một nhóm gồm 21 nhà khoa học và nhà nghiên cứu, thuộc sáng kiến World Weather Attribution, đã phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu đang gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan ở hai quốc gia. Những trận mưa rơi vào các năm có El Nino - sự dao động tự nhiên của nhiệt độ đại dương ảnh hưởng đến thời tiết toàn cầu - dữ dội hơn 10-40% so với khi không có hiện tượng này, theo CNN.
Mưa lớn tàn phá thành phố sa mạc
Trong khoảng thời gian chưa đầy 24 giờ từ ngày 14 đến ngày 15/4, UAE đã hứng chịu lượng mưa lớn nhất kể từ khi bắt đầu thông kế số liệu cách đây 75 năm. Phân tích cho biết Dubai - một thành phố sa mạc hào nhoáng đã quen với việc trải qua nhiều tháng không có mưa - chịu đựng lượng mưa tương đương hơn một năm rưỡi vào thời điểm đó.
Sử dụng các mô hình khoa học, nhóm nghiên cứu không thể xác định chính xác khả năng biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt cao đến mức nào.
Thành phố sa mạc Dubai bị choáng ngợp bởi một trận mưa xối xả với lượng mưa bằng cả năm chỉ trong vòng chưa đầy một ngày.
Tuy nhiên, họ kết luận rằng sự nóng lên toàn cầu "rất có thể" là nguyên nhân gây ra lượng mưa kỷ lục, vì bầu không khí ấm hơn 1,2 độ C như hiện tại có thể giữ độ ẩm cao hơn 8,4%. Điều này khiến các đợt mưa cực đoan trở nên dữ dội hơn. Phân tích lưu ý rằng việc thay đổi mô hình lưu thông do hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng đang làm tăng lượng mưa.
Sự nóng lên toàn cầu là lý do duy nhất mà các nhà nghiên cứu có thể xác định để giải thích cho trận mưa như trút nước.
Lũ lụt đã cướp đi sinh mạng 4 người ở UAE và ít nhất 19 người khác ở Oman, trong đó có 10 trẻ em. Thời tiết khắc nghiệt đã gây ra các đợt lũ lụt ở một số vùng của UAE có thể được nhìn thấy trong các hình ảnh vệ tinh.
Lũ lụt cũng gây ra sự gián đoạn trên diện rộng khắp Dubai. Hơn 1.000 chuyến bay đến và đi khỏi sân bay Dubai - sân bay bận rộn thứ hai trên thế giới - đã bị hủy. Người dân buộc phải bỏ xe trên những con đường bị ngập nước.
Các trung tâm mua sắm sang trọng của thành phố bị ngập khi nước mưa thấm qua trần nhà. Thang máy ngừng hoạt động trong các tòa nhà chọc trời, buộc cư dân phải leo cầu thang lên hàng chục tầng. Không thể trở về nhà do tắc đường, một số người phải ngủ trong xe.
Phá rừng, đốt nhiên liệu
Sonia Seneviratne, giáo sư tại Viện Khoa học Khí quyển và Khí hậu, cho biết: "Lũ lụt ở UAE và Oman đã chỉ ra rằng ngay cả những khu vực khô hạn cũng có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các đợt mưa, mối đe dọa ngày càng gia tăng cùng với sự nóng lên toàn cầu đang tăng do đốt nhiên liệu hóa thạch".
Mansour Almazroui từ Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu của Đại học King Abdulaziz nói rằng mưa lớn ở UAE và Oman đến từ hai hệ thống bão mạnh, riêng biệt.
Ông chỉ ra rằng nhiệt độ đại dương kỷ lục đang đóng một vai trò trong việc tăng cường các cơn bão. "Ấn Độ Dương đang trở nên ấm hơn. Và áp suất cao ở Ấn Độ Dương chắc chắn góp phần tạo ra lượng mưa".
UAE ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong 75 năm vào giữa tháng 4.
Bán đảo Ả Rập, nơi có UAE và Oman, thỉnh thoảng trải qua những cơn mưa dữ dội vào tháng 4 và tháng 5 do hệ thống đối lưu quy mô trung bình - nơi một số cơn giông bão tập hợp lại, cùng hoạt động.
Friederike Otto, giảng viên về Khoa học Khí hậu tại Viện Grantham ở London, cho biết các nghiên cứu lưu ý rằng những cơn bão này đang gia tăng tần suất.
Otto nói rằng El Nino cũng là yếu tố thúc đẩy sự kiện mưa tháng 4. Tuy nhiên, bà nói thêm trọng tâm phải là làm chậm lại biến đổi khí hậu.
"Mặc dù chúng ta không thể ngăn chặn El Nino nhưng chúng ta có thể ngăn chặn biến đổi khí hậu. Giải pháp là ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, chấm dứt nạn phá rừng. Phá rừng là nguyên nhân gây ra ít nhất 12% lượng ô nhiễm carbon toàn cầu", bà nói.
Theo Otto, gần nửa năm đã trôi qua kể từ các cuộc đàm phán về khí hậu, "các quốc gia vẫn đang mở các mỏ dầu khí mới". "Nếu thế giới tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch, mưa ở nhiều khu vực sẽ ngày càng nặng hạt hơn, dẫn đến lũ lụt chết người và có sức tàn phá lớn hơn".