Đám cưới của một chàng trai Malaysia tổ chức với 2 cô dâu đang gây tranh cãi trên mạng xã hội sau khi một số hình ảnh về hôn lễ được đăng tải lên Facebook.
Ngày 11/3, cư dân mạng Malaysia xôn xao khi một tài khoản Facebook đăng tải hình ảnh đám cưới của chàng trai trẻ với 2 cô dâu.
Cụ thể, chú rể trong bức ảnh sống tại bang Sarawak, Malaysia. Tiệc cưới được tổ chức ở nhà hàng Hon Ang - chuyên bán đồ ăn Trung Quốc tại thành phố Kuching với nhiều khách mời tham dự.
Hình ảnh được chia sẻ cho thấy, chú rể đứng giữa và 2 cô dâu khoác tay chồng hạnh phúc. Trong bức ảnh đầu tiên, hai cô dâu và chú rể mặc trang phục đám cưới kiểu truyền thống, trong ảnh còn lại, hai cô dâu diện váy cưới hiện đại.
Hình ảnh đám cưới của chú rể với 2 cô dâu. Ảnh: The Star.
Ở cửa ra vào nơi tổ chức lễ cưới, có 2 bức ảnh cưới đặt cạnh nhau. Trong đó, chú rể lần lượt chụp ảnh với mỗi cô dâu. Không gian tổ chức tiệc cưới không quá lớn nhưng sang trọng, ấm cúng và ngập hoa. Hai cô dâu và chú rể cắt bánh, rót rượu theo đúng nghi thức như các cặp đôi khác.
Hai cô dâu trong ảnh có một người quốc tịch Malaysia, người còn lại đến từ Indonesia.
Bài đăng đã nhận được nhiều lời bình luận của cư dân mạng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ liệu chú rể kết hôn cùng lúc với 2 cô gái, hay chỉ kết hôn hợp pháp với một người trong khi người còn lại mang danh nghĩa chứ không được pháp luật công nhận.
Ảnh đám cưới chú rể chụp với 2 cô dâu. Ảnh: Mother.
Theo trang web của Chính phủ Malaysia, đa thê là hợp pháp theo luật Syariah và chỉ dành cho người Hồi giáo ở Malaysia. Kết hôn đa thê vẫn phải đăng ký kết hôn từng lần với cơ quan chức năng.
Đặc biệt, người đàn ông phải xin phép người vợ cả của mình trước khi muốn cưới thêm người khác và người vợ cả phải đồng ý thì đám cưới thứ hai mới được coi là hợp pháp.
Bộ trưởng Phát triển Phúc lợi Cộng đồng, Trẻ em và Phụ nữ Datuk Seri Fatimah Abdullah cho biết bà cũng được thông tin về việc một người đàn ông kết hôn với hai phụ nữ trong bữa tiệc cưới 12/3.
"Chúng tôi có luật điều chỉnh hôn nhân dân sự và hôn nhân Hồi giáo, trong khi ở Sarawak chúng tôi cũng có hôn nhân theo phong tục bản địa”, bà nói và cho biết thêm: “Theo hệ thống pháp luật của chúng tôi, những người không theo đạo Hồi chỉ có thể kết hôn hợp pháp với một người trong hôn nhân dân sự hoặc hôn nhân theo phong tục bản địa”.
Fatimah cũng cho biết bà đã được Cục Đăng ký Quốc gia (NRD) thông báo rằng sự kiện này không phải là một lễ kết hôn hợp pháp mà là một bữa tiệc chiêu đãi.
Bà nói thêm: “Tôi không thể nói nhiều vì vấn đề này nằm ngoài thẩm quyền của Bộ tôi”.
VietBF@ sưu tập