Nga có thể đang thử tên lửa tối tân của Su-57 tại Ukraine. Nga dường như đã sử dụng tên lửa hành trình Kh-69, được phát triển cho máy bay Su-57, để tập kích mục tiêu tại Ukraine.
Tài khoản War_Home ủng hộ quân đội Ukraine tuần trước công bố hình mảnh vỡ cánh đuôi tên lửa, cho biết đây là một phần của "tên lửa hành trình Kh-69 Nga bị bắn hạ" trong đòn tập kích dữ dội nhằm vào Ukraine hôm 7/2.
Tài khoản War_monitor_ua sau đó nói rằng lực lượng Nga phóng 3 tên lửa Kh-69 và 3 quả đạn Kh-59 trong các đòn tập kích nhằm vào tỉnh Poltava, Sumy và Mykolaiv, tuyên bố phòng không Ukraine đánh chặn thành công 5 mục tiêu trong số này.
"Sự xuất hiện của Kh-69 có thể không gây chấn động như thông tin Nga triển khai tên lửa siêu vượt âm Zircon. Tuy nhiên, nó cho thấy Moskva ngày càng sẵn sàng sử dụng những loại tên lửa tiên tiến, vừa kết thúc giai đoạn thử nghiệm trong tình huống chiến đấu thực tế", chuyên gia quân sự Mỹ Tyler Rogoway nhận định.
Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.
e
Mảnh cánh đuôi nghi của tên lửa Kh-69 trong ảnh công bố hồi tuần trước. Ảnh: Telegram/War_Home
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh cuối năm ngoái mô tả Kh-69 là "tên lửa hành trình đối đất được phóng từ máy bay, tương tự mẫu Storm Shadow/SCALP-EG của Anh - Pháp và Taurus KEPD 350 do Đức chế tạo". Giới chuyên gia phương Tây đầu năm 2023 nhận định Kh-69 đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng hoặc đã bắt đầu dây chuyền sản xuất.
Dự án Kh-69 có nền tảng là tên lửa hành trình chiến thuật Kh-59MK2 được phát triển bởi công ty Raduga thuộc Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật (KRTV) của Nga.
Quả đạn được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp định vị vệ tinh để bay tới khu vực mục tiêu, sau đó sử dụng cảm biến quang - điện tử có khả năng so sánh ảnh quang học kỹ thuật số (DSMAC) để lao trúng đích. Tổ hợp DSMAC của Kh-59MK2 dường như được lấy từ tên lửa hành trình chiến lược Kh-555, cho phép đánh trúng mục tiêu trong vòng tròn bán kính 3-5 m.
Tổ hợp Kh-59MK2 được chỉnh sửa toàn diện từ năm 2015, nhằm tích hợp tính năng tàng hình trước radar và cảm biến tầm nhiệt của đối phương, đồng thời cho phép tên lửa nằm gọn trong khoang vũ khí của tiêm kích tàng hình Su-57.
Nhà phát triển chỉ giữ lại hệ thống dẫn đường, phần vỏ tên lửa chuyển từ hình trụ tròn sang hình hộp thang, cặp cánh nâng và 4 cánh lái ở đuôi cũng được gấp gọn. Động cơ tua-bin phản lực được giấu vào đuôi tên lửa, thay vì nằm dưới thân như mẫu Kh-59MK2 nguyên bản.
Mô hình tên lửa Kh-69 được Nga trưng bày tại triển lãm Army năm 2022. Ảnh: Vitaly Kuzmin
Phiên bản Kh-59MK2 nâng cấp dành cho không quân Nga được Raduga đổi tên thành Kh-69, nhằm thể hiện đây là thiết kế gần như mới hoàn toàn so với các quả đạn có sẵn trong biên chế. Ngoài Su-57, các chiến đấu cơ như MiG-29K, Su-30, Su-34 và Su-35S cũng có thể sử dụng loại tên lửa này.
Kh-69 được thiết kế để tập kích các mục tiêu kiên cố, với tầm bắn ước tính trên 300 km và tốc độ hành trình 1.000 km/h. Tọa độ mục tiêu có thể được nạp vào quả đạn trước khi máy bay cất cánh hoặc cập nhật trong chuyến bay. Mỗi tên lửa được trang bị đầu đạn chùm hoặc xuyên phá bê tông nặng 300 kg.
"Kh-69 là bước tiến công nghệ đáng kể nếu so sánh với các mẫu tên lửa không đối đất chiến thuật đang được sử dụng hiện nay. Nó có độ chính xác, tầm bay và khả năng sống sót vượt trội, dù chi phí sản xuất cao hơn nhiều", Rogoway nhận xét.
Các chuyên gia phương Tây cho rằng Kh-69 phù hợp với nhiệm vụ tập kích mục tiêu được bảo vệ bởi lưới phòng không dày đặc ở sâu trong lãnh thổ Ukraine, nhất là khi Kiev đang triển khai nhiều tổ hợp tên lửa hiện đại của phương Tây. Tầm bắn lớn cho phép nhiều loại máy bay Nga khai hỏa từ khoảng cách an toàn, không phải tiến vào ô phòng không của đối phương.
"Động lực chủ đạo để Nga triển khai những vũ khí mới như Kh-69 là thử nghiệm khả năng của chúng trong môi trường tác chiến thực tế. Điều này giúp hoàn thiện chiến thuật sử dụng và khắc phục các vấn đề chưa được phát hiện khi thử nghiệm. Kết quả chiến đấu cũng giúp Moskva quyết định loại vũ khí nào được ưu tiên sản xuất hàng loạt, nhất là trong điều kiện hạn chế về năng lực xuất xưởng vũ khí công nghệ cao", Rogoway cho hay.
VietBF@ sưu tập