Banei Keiba là cuộc đua chậm nhất thế giới, khi những chú ngựa thồ lực lưỡng kéo xe nặng hơn 600 kg di chuyển trên đường đua đầy cát.
Tiếng kèn vang lên, cổng đua mở ra, những con ngựa banba nặng hơn một tấn nhao lên, nhưng phía sau là những cỗ xe trượt tuyết nặng nề, khiến chúng chỉ có thể di chuyển từng bước rất chậm, ngang với tốc độ đi bộ của con người.
Banei Keiba là cuộc đua truyền thống có từ hơn 100 năm trước, ban đầu là màn đọ sức giữa những chú ngựa thồ trong các hội làng, sau đó trở thành cuộc thi ở thành phố Obihiro, tỉnh Hokkaido, miền bắc Nhật Bản.
Trong cuộc đua, thay vì chiêm ngưỡng những bước chạy thần tốc, khán giả cổ vũ cho các chú ngựa thồ lực lưỡng phô diễn sức mạnh cơ bắp của mình.
8 con ngựa vượt qua con dốc đầu tiên trong quãng đường dài 200 m. Chúng dừng lại lấy hơi, thở phì phò trong không khí chiều đông.
Cuộc đua chậm "tạo không khí hồi hộp", Esther McCourt, 24 tuổi, du khách Australia, nói. "Dù ban đầu nài ngựa hay ngựa có tốt đến đâu, đoạn quan trọng nhất vẫn là 50 m cuối, thành tích có thể thay đổi bất kỳ lúc nào".
Banei Keiba bắt đầu nổi tiếng trở lại nhờ công tác tiếp thị và Covid-19, khi người Nhật bắt đầu hứng thú với các cuộc đua ngựa và đặt cược trực tuyến, thúc đẩy doanh thu thường niên của giải lên 375 triệu USD, tăng gần 5 lần so với năm 2011.
Banei Keiba hình thành khi người Nhật di cư đến Hokkaido, hòn đảo dân cư thưa thớt và mùa đông dài khắc nghiệt. Họ dùng ngựa "banba" để cày ruộng, vận chuyển hàng hóa và khai thác mỏ, đồng thời cho chúng tham gia những cuộc thi sức mạnh trong các lễ hội.
Banba nặng gấp đôi ngựa đua, còn những chiếc xe trượt tuyết mà chúng kéo nặng hơn 600 kg. Nài ngựa đứng trên xe trượt tuyết, hét to ra lệnh và quất roi vào ngựa để giục chúng bước đi.
Những người huấn luyện ngựa như Yoshiyuki Hattori phủ nhận cáo buộc ngược đãi động vật, tuyên bố ngựa đua được chăm sóc tử tế và không bị ép kéo xe có trọng tải vượt quá khả năng.
"Nếu ngựa thuần chủng sinh ra để đua tốc độ, ngựa banba sinh ra để chở đồ", Hattori, người từng giành nhiều giải thưởng đua ngựa chậm, nói. "Chúng cày ruộng, làm việc cho con người. Chúng tôi muốn tiếp nối lịch sử".
Đối với Hattori, đua ngựa Banei Keiba đem lại trải nghiệm khác hẳn so với hình ảnh các cuộc đua ngựa bình thường. "Bạn sẽ có cảm giác chân thực hơn khi cổ vũ", ông nói.
Ba thành phố trong vùng từng tổ chức các cuộc đua tương tự đã phải chấm dứt hoạt động này vì không có lãi. Nền kinh tế trì trệ kéo dài của Nhật Bản ảnh hưởng nghiêm trọng đến Banei Keiba, trong khi những người yêu mến cuộc đua đang già đi.
Trường đua Obhiro, nơi duy nhất tổ chức đua ngựa Banei Keiba hiện nay, đã cố gắng thu hút các gia đình trẻ và khách du lịch bằng cách mở một vườn thú nhỏ, tung ra các chiến dịch tiếp thị như kết hợp trò chơi phổ biến trên điện thoại để thu hút khách hàng trẻ.
Trường đua hiện có 750 con ngựa đang thi đấu cùng 28 huấn luyện viên, 150 người chăm sóc và 21 nài ngựa. Yuno Goto, 21 tuổi, người chăm sóc, cho hay luôn mơ ước trở thành vận động viên đua ngựa.
"Đây là cơ hội tuyệt vời để mọi người tiếp xúc với văn hóa đua ngựa chậm, trải nghiệm khác biệt so với những cuộc đua khác", cô nói khi gắn nơ và ruy băng màu hồng, xanh nhạt lên bờm của một con ngựa banba trước cuộc đua.
Taichi Yamada, 27 tuổi, khán giả, cho hay cuộc đua hấp dẫn hơn nhờ biết thêm kiến thức về nguồn gốc những con ngựa.
"Đây là một hình thức tương tác giữa con người và động vật. Tôi hy vọng truyền thống này sẽ được gìn giữ", anh nói. "Ngựa chắc hẳn rất vất vả để kéo đồ nặng như thế. Ta không giúp chúng được nhưng có thể cổ vũ chúng".
|