Đậu đen có giá trị dinh dưỡng cao hơn hẳn so với các loại đậu khác, được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, ngăn chặn tế bào ung thư nhân lên và lây lan khắp cơ thể.
Theo Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K, đậu đen rất giàu carbohydrate và là nguồn chất xơ tuyệt vời (4g chất xơ/100g) (gồm chất xơ hòa tan và không hòa tan). Đậu đen có rất ít chất béo và hầu hết chất béo là chất béo không bão hòa nhiều nối đôi. Một nửa chén đậu đen có 90mg axit béo omega-3 và 108mg axit béo omega-6.
Đậu đen là nguồn cung cấp protein, với 7g protein trong một khẩu phần nửa chén. Ngoài ra, đậu đen còn chứa nhiều folate, vitamin B1, mangan và magie. Đậu đen chứa saponin, folate có tác dụng ngăn chặn tế bào ung thư nhân lên, lây lan khắp cơ thể và ngăn ngừa sự hình thành của các tế bào ung thư từ các đột biến trong DNA.
Một số nghiên cứu cho thấy bệnh nhân tiểu đường kiểm soát đường huyết sau ăn tốt hơn khi ăn đậu đen cùng với cơm, thậm chí có thể cải thiện độ nhạy insulin.
Ngoài ra, nhờ lượng chất xơ cao, nên chế độ ăn có chứa các loại đậu đỗ cũng sẽ giúp duy trì cân nặng và hỗ trợ giảm cân. Nó cũng có lợi cho sức khỏe tim mạch, thúc đẩy nhu động ruột, thúc đẩy sự hấp thụ sắt, ngăn ngừa đột quỵ, chăm sóc làn da.
Những người không nên ăn đậu đen:
- Người bị bệnh thận: Mặc dù đậu đen có chức năng bổ thận nhưng bệnh nhân mắc bệnh thận nặng cũng không nên tiêu thụ quá nhiều. Đó là do đậu đen không dễ tiêu, nếu ăn quá nhiều sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, không những không có tác dụng mà còn làm nặng thêm tình trạng bệnh.
- Bệnh nhân bị gút: Do trong đậu có chứa nhiều nhân purin, có thể gây rối loạn chuyển hóa acid uric, lắng đọng acid uric trên xương khớp gây ra bệnh gút. Ăn nhiều đậu đen có thể khiến tình trạng bệnh gút nặng hơn.
- Người kinh nguyệt không đều: Những người bị chậm kinh không nên ăn đậu đen, vì đậu đen có thể làm chậm quá trình rụng trứng.