Người bị tiểu đường có thể chọn các món ăn như lagu sò điệp đậu trắng, salad mùa hè, tôm nấu bông cải xanh…để ổn định đường huyết ban đêm.
Bữa tối lạnh mạnh với người mắc tiểu đường nên ít chất béo bão hòa, ít natri và vừa đủ các thực phẩm chứa carbs phức tạp như ngũ cốc nguyên hạt. Các thực phẩm chứa những thành phần giúp giảm viêm mạn tính như cá hồi, súp lơ, rau lá xanh... Theo tờ Eating Well (Mỹ) bữa tối nhẹ nhàng để có một giấc ngủ ngon là tiêu chí hàng đầu người mắc tiểu đường nên hướng đến.
Salad rau mùa hè
Món salad rau mùa hè chứa nhiều thành phần từ rau củ như củ cải vàng, bơ, ngô, rau xà lách, đậu gà. Sự kết hợp giữa các loại rau này với nước sốt bơ, sữa và thảo mộc có lợi cho sức khỏe tim mạch, lượng calo thấp. Đây là món ăn giàu chất xơ, không chứa gluten tốt cho người mắc bệnh tiểu đường.
Lagu sò điệp đậu trắng
Công thức chế biến sò điệp xào với đậu trắng và rau bina tạo ra một bữa tối lành mạnh. Một khẩu phần ăn khoảng một chén lagu sò điệp đậu trắng chứa khoảng 255 calo, 21,4 gram chất đạm và lượng chất béo trong món ăn này rất thấp, khoảng 8,3 gram chất béo và 2,6 gram chất béo bão hòa. Lagu sò điệp đậu trắng không chứa gluten, lượng đường và calo thấp có lợi cho hệ miễn dịch và người mắc bệnh tiểu đường.
Tôm nấu bông cải xanh
Tôm nấu bông cải là món ăn dễ thực hiện, phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường vì nó không chứa sữa, không chứa gluten, lượng cars thấp. Với các thành phần từ ớt chuông, tôm sống, bông cải xanh, nước cốt chanh, bạn có thể chế biến món tôm nấu bông cải chỉ trong 20 phút.
Tôm nấu bông cải. Ảnh: Freepik
Cơm gạo lứt, bơ và cá hồi
Nếu thích ăn cơm, người bị tiểu đường có thể chọn cơm gạo lứt cho bữa tối để tránh gặp phải vấn đề rắc rối cho đường huyết. Món ăn này chứa hàm lượng protein cao và không chứa gluten. Một nửa chén cơm gạo lứt nấu với nước gừng ngâm cùng với cá hồi nướng giấy bạc, quả bơ ăn kèm, trang trí thêm một ít hành lá, gừng ngâm chua và vừng rang là bữa ăn phù hợp với người bị tiểu đường vào buổi tối.
Bánh mì nướng ăn kèm trứng rán khoai tây
Món trứng rán khoai tây kết hợp với rau xanh được EatingWell khuyến khích người bị tiểu đường sử dụng vào buổi tối. Bạn cần chuẩn bị 4 lát bánh mì nướng ngũ cốc nguyên hạt, dầu ô liu, 2 quả trứng và một củ khoai tây. Khoai tây sau khi nấu chín sẽ nghiền nhỏ, cho dầu vào chảo cùng hành tây phi thơm, tiếp đến cho khoai tây đã nghiền và chảo và cho trứng đã nêm nếm gia vị vào sau. Tiếp đó, bạn cho rau xanh tùy theo sở thích và cho cả chảo vào lò nướng khoảng 15-20 phút.
Một lát bánh mì ăn với hỗn hợp trứng rán khoai tây rau xanh chứa 404 calo, 21 gram chất đạm, 46 gram chất bột đường và chỉ khoảng 5 gram chất béo bão hòa, 3 gram chất béo đa, khá phù hợp với tiêu chí chọn thực phẩm của người bị tiểu đường.
Gà nướng súp lơ
Với khoảng 300 gram đùi gà không xương không da, 2 thìa cà phê dầu ô liu, một chén súp lơ rang, nửa chén ớt xanh hoặc ớt đỏ nướng, người mắc tiểu đường có thể chế biến món ăn đủ chất dinh dưỡng nhưng không lo bị tăng đường huyết. Gà nướng súp lơ chứa hàm lượng protein cao, lượng chất béo và carbs thấp.
Salad cải xoăn rau bina
Salad cải xoăn rau bina giàu chất dinh dưỡng, dễ ăn và đảm bảo nhu cầu bổ sung vitamin cho cơ thể. Người bị tiểu đường có thể cho cải xoăn vào bát lớn và dùng tay xoa bóp để làm mềm lá. Bạn thêm quả bơ, quả việt quất, cà chua, đậu edamame, hạnh nhân và phomat vào, trộn đều. Tiếp đó cho dầu, nước cốt chanh, lá hẹ, mật ong, mù tạt và muối vào một cái bát nhỏ hoặc trong lọ có nắp đậy kín, đánh bông và lắc đều. Một đĩa salad cải xoăn chứa khoảng 368 calo; 10g đạm 10 gram; 21gram cacbohydrat; 8 gram chất xơ.
Burger chay
Burger thuần chay với thành phần gồm đậu xanh, bí ngòi mặn phủ lên nước sốt có nhiều kem, thảo mộc, cà chua vừa ngon miệng vừa tốt cho sức khỏe. Các bước thực hiện bao gồm cho đậu gà, thìa là, hai muỗng cà phê miso, một muỗng cà phê bột tỏi, một muỗng cà phê tiêu vào máy xay thực phẩm cho đến khi hỗn hợp thô kết dính với nhau khi ép. Vắt nước và tạo thành miếng. Đun nóng dầu trong chảo chống dính lớn và rán các miếng chả đến khi vàng. Kẹp với bánh mì, nước sốt và thường thức.
Cơm gạo lứt với đậu phụ xào bông cải xanh
Nửa chén gạo lứt nấu cơm, đậu phụ xào bông cải xanh thêm ớt chuông là thực đơn khá phù hợp để ổn định đường huyết trước vào buổi tối. Người mắc tiểu đường có thể cân nhắc về việc giảm gia vị hay cắt hoàn toàn gia vị cho món ăn này. Cơm gạo lứt đậu phụ được xếp vào món ăn thuần chay, chứa lượng canxi cao, lượng đường bổ sung, carbohydrate và natri thấp phù hợp với bệnh tiểu đường.