Ngày 9/5, chỉ số S&P 500 hôm qua xuống thấp nhất hơn một năm, trong khi giá vàng thế giới giảm gần 30 USD một ounce.
Giá vàng thế giới giao ngay phiên 9/5 giảm 29 USD xuống 1.854 USD một ounce. Sáng nay, giá vẫn dao động quanh mốc này. Giới chuyên gia cho rằng nếu xuống dưới 1.850 USD, đây sẽ là tín hiệu tiêu cực với thị trường.
Đồng đôla hôm qua lên cao nhất gần 2 thập kỷ so với các tiền tệ lớn khác, nhờ kỳ vọng Fed mạnh tay thắt chặt tiền tệ. Việc này đã gây sức ép lên vàng – công cụ không trả lãi cố định.
Một nguyên nhân khác kéo giá đi xuống là lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Dù vàng được coi là công cụ truyền thống trong phòng trừ lạm phát và bất ổn kinh tế, lãi suất tại Mỹ tăng nhanh cũng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chốt phiên giao dịch ngày 9/5, chỉ số DJIA giảm gần 2%. S&P 500 mất 3,2%, lần đầu xuống dưới 4.000 điểm trong hơn một năm. Nasdaq Composite giảm khoảng 4,3%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc chạm 3,19% - cao nhất kể từ cuối năm 2018.
Chứng khoán Mỹ gần đây biến động mạnh và đã giảm nhiều tuần liên tiếp. "Xung đột tại Ukraine, cú sốc năng lượng toàn cầu và rủi ro phát sinh khi Fed cố gắng kiềm chế lạm phát đã khiến nhiều nhà đầu tư đánh giá lại tình hình vĩ mô", các nhà phân tích tại Blackrock giải thích trong một thông báo hôm qua.
Tuần trước, sau khi Fed cho biết "không cân nhắc" nâng lãi suất hơn 0,5%, cả ba chỉ số chủ chốt của Wall Street đều tăng khoảng 3%. Nhưng ngay ngày hôm sau, thị trường lo ngại Fed đẩy nền kinh tế vào suy thoái và giảm hơn 3%.
"Tôi đã ở trong thị trường 25 năm và chưa thấy điều này bao giờ", Danielle DiMartino Booth – CEO Quill Intelligence cho biết.
Nhóm công nghệ - vốn nhạy cảm nhất với lãi suất tăng – hôm qua đồng loạt lao dốc. Cổ phiếu Amazon giảm 5,2%, Meta Platforms mất 3,7% và Alphabet giảm 2,8%. Apple và Netflix cùng mất hơn 3%.
Nhà đầu tư hiện chờ số liệu lạm phát, sẽ công bố trong tuần này. Mùa báo cáo tài chính tại Mỹ cũng gần kết thúc. Theo nghiên cứu của Bank of America, mức độ đề cập đến "nhu cầu yếu" trong các báo cáo đang cao nhất trong 2 năm.
VietBF©sưu tập