Không chỉ bị lệ thuộc khí đốt, ... vào Nga mà còn nhiều thứ vào Trung Quốc. Hiện tại Trung Quốc đang xây nhiều công trình bên châu Âu. Hàng tỷ đôla Mỹ, là tiền từ Trung Quốc, đang thúc đẩy một số nền kinh tế châu Âu - thế nhưng một số thương vụ không phải là diễn ra mà không có điều kiện kèm theo. Những người chỉ trích cho rằng chúng là "bẫy nợ", là thứ khiến Trung Quốc có thể có quyền chọn xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu như các khoản vay không được hoàn trả.
Trung Quốc khẳng định mình là đối tác đầu tư đáng tin cậy - nhưng nước này cũng đang phải đối mặt với các cáo buộc bóc lột công nhân và hủy hoại môi trường.
Cầu Pelješac do Trung Quốc xây tại Croatia
Đó là một trong những khoảnh khắc được camera an ninh (CCTV) ghi được về một thảm họa sắp xảy ra. Người ta thấy hình ảnh một công nhân bến tàu tại cảng Piraeus rộng lớn của Hy Lạp, gần Athens, đang đi dọc theo bờ sông bên cạnh một đống container khổng lồ.
Đột nhiên, anh ngước lên và thấy một trong số những container đang lao từ trên cao xuống về phía mình, với một chiếc khác đang rớt ngay tiếp sau. Anh tức tốc chạy vọt đi, thoát chết trong gang tấc thay vì bị hai vỏ thùng khổng lồ đè bẹp - những container này đập mạnh vào một chiếc xe tải không chở gì.
Năm ngoái, một công nhân khác ở Piraeus không may mắn như vậy. Dimitris Dagklis, 45 tuổi, đã không thoát kịp và thiệt mạng trong một vụ tai nạn cần cẩu.
"Cái chết của ông ấy là hậu quả của việc chúng tôi phải làm việc căng thẳng và của thực tế là không có đủ các biện pháp an toàn tại chỗ," Markos Bekris, chủ tịch nghiệp đoàn công nhân đóng tàu, nói.
Kể từ cái chết của Dagklis, các nghiệp đoàn đã đình công để phản đối tình trạng cắt giảm nhân sự tại cảng - nơi mà Cosco, một công ty quốc doanh của Trung Quốc nắm hai phần ba quyền sở hữu.
Trên toàn châu Âu, trong lúc các chính phủ đang lo lắng về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sau đại dịch, Bắc Kinh đang tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư của mình. Đó là việc nắm quyền điều hành các cảng, các mỏ ở châu Âu, xây dựng cầu đường, đầu tư vào những nơi mà người khác không làm.
Nhưng các quốc gia đang phải cân nhắc giữa những cái được và những rủi ro của việc ký kết thỏa thuận với Trung Quốc. Nhiều chính phủ ngày càng cảnh giác với cái gọi là "bẫy nợ", khi mà những bên cho vay - chẳng hạn như nhà nước Trung Quốc - có thể đòi hỏi các nhượng bộ kinh tế, chính trị nếu quốc gia tiếp nhận đầu tư không thể trả nợ.
Hy Lạp bán cảng biển sau vụ khủng hoảng kinh tế trầm trọng 2008
Cũng có những cáo buộc về việc người lao động bị các công ty Trung Quốc bóc lột - về mức lương, điều kiện làm việc và lượng nhân công mà họ sử dụng. Chúng tôi nêu câu hỏi cho Cosco về cái chết của Dimitris Dagklis, mức sử dụng nhân sự tại Piraeus và những lo ngại về môi trường về việc mở rộng cảng. Công ty nói họ sẽ không trả lời phỏng vấn của chúng tôi và không hỗ trợ gì thêm.
Markos Bekris
Bekris không đổ lỗi hoàn toàn cho Bắc Kinh trong việc đã đóng góp vào những điều mà ông gọi là bào mòn quyền lợi của người lao động. Ông nói rằng hệ thống tư bản sau khủng hoảng tài chính toàn cầu cho phép bất kỳ công ty nước ngoài nào cũng có thể nhảy vào, tối đa hóa lợi nhuận mà đổi lại là quyền lợi của người lao động sẽ bị cắt giảm.
Không ai nghi ngờ gì về chuyện khoản đầu tư của Bắc Kinh đã thúc đẩy sự phục hưng của cảng kể từ khi chính phủ Hy Lạp buộc phải bán nó đi - và các tài sản công khác - sau hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hồi 2008.
Khi lướt dọc bờ biển trên một chiếc thuyền máy nhỏ, chúng tôi nhanh chóng nhận thấy một dãy dài các tàu vận tải chở container khổng lồ xếp hàng dài phía chân trời chờ cập bến - một bãi đậu xe khổng lồ trên mặt nước, chứa đầy hàng trăm nghìn tấn hàng hóa các loại, chủ yếu là do Trung Quốc sản xuất và sẽ được phân phối đến mọi ngóc ngách châu Âu.
Sự bùng nổ ở Piraeus - bao gồm cả cơ hội việc làm cho người dân địa phương - phản ánh sự chuyển biến rộng rãi hơn trong vận may tài chính của Hy Lạp. Hiện nước này là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất của EU.
Tuy nhiên, giống như các nước quốc gia láng giềng khác ở châu Âu, nước này cũng đang phải vật lộn để thích ứng với tác động - cả về kinh tế và những khía cạnh khác - của cuộc chiến Ukraine. Các quốc gia đang đánh giá lại ý nghĩa của việc làm ăn với Trung Quốc - quốc gia hồi tháng Hai đã tuyên bố một trật tự toàn cầu mới, cùng nhịp với đồng minh Nga.
Vào ngày khai mạc Thế vận hội Mùa Đông vừa rồi, tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc tuyên bố quan hệ đối tác "không có giới hạn" với Nga và hứa sẽ hợp tác nhiều hơn để chống lại phương Tây. Kể từ đó, Trung Quốc kiên quyết không lên án hành động tấn công Ukraine của Tổng thống Putin.
Hàng trăm container xếp đống ở cảng biển tại Piraeus
Tại Piraeus, những thiệt hại về môi trường được cho là do việc mở rộng cảng đã khiến người dân địa phương khởi kiện chống lại chủ sở hữu Trung Quốc, hãng Cosco.
Có những lo ngại đặc biệt về việc nạo vét đáy biển không được kiểm soát và tình trạng ô nhiễm độc hại cũng như sự gia tăng mức độ giao thông trên cả đường biển và đất liền.
Luật sư Anthi Giannoulou - người thuở ấu thơ từng dạo chơi trên bờ biển đầy đá - lo sợ cho tương lai lâu dài của cộng đồng nơi cô sinh sống.
"Điều đó không có lợi cho Piraeus. Nó sẽ chỉ có lợi cho những người không sống ở đây."
"Piraeus là một thành phố thực sự nhỏ và những người vẫn đang ở đây là những người đã sinh sống ở đây trong nhiều thế hệ. Vì vậy, chúng tôi không thể bị đuổi ra bởi một số khoản đầu tư mà không được hỏi ý kiến."
Trong tiền sảnh lát đá cẩm thạch của một tòa nhà chính phủ ở trung tâm Athens, chúng tôi được chào đón bởi Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Dendias. Ông giải thích việc đầu tư vào Piraeus là đôi bên cùng có lợi - và gợi nhớ rằng Trung Quốc là nhà đầu tư duy nhất xuất hiện ở thời điểm chính phủ Hy Lạp buộc phải bán cảng.
"Về quan hệ kinh tế của chúng tôi, tôi nghĩ rằng cả hai bên đều có lợi. Trung Quốc có lối vào để các sản phẩm hàng hóa của họ vào được Liên minh châu Âu, tới vùng Balkan và đến trung, đông Âu. Còn chúng tôi có một cảng thương mại lớn được nâng cấp, hiện đại."
Sau vụ sụp đổ hồi 2008, cái gọi là "troika châu Âu" thuộc Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã kiên quyết bán cảng để giúp giải quyết các khoản nợ đang tăng nhanh chóng mặt của Hy Lạp.
"Sự thật là Trung Quốc đã mua Piraeus và bây giờ Piraeus là một trong những cảng lớn nhất ở châu Âu và - nếu những gì họ nói là đúng, và tôi không có lý do gì để nghi ngờ điều đó - có thể sẽ trở thành số một, hoặc số hai, trên toàn châu Âu. Tức là có sự cải thiện to lớn, và khoản đầu tư vào đó là rất đáng kể.
Nhưng còn những "bẫy nợ" có thể có, đi kèm với những khoản đầu tư nào đó của Trung Quốc trong tương lai vào Hy Lạp thì sao? Cảng Piraeus có phải là điểm quan trọng trong quan hệ của Athens với Bắc Kinh? Ông Bộ trưởng thừa nhận chính phủ của ông đã chưa ký thêm bất kỳ thỏa thuận lớn nào, nhưng nói rằng sẽ đánh giá các cơ hội làm ăn trong tương lai trên cơ sở xem xét từng trường hợp.
"Không có bất kỳ khoản đầu tư lớn nào khác của Trung Quốc vào Hy Lạp, nhưng chúng tôi đánh giá khoản đầu tư này trên cơ sở thương mại. Ý tôi là, nếu người Trung Quốc muốn đầu tư, thì chúng tôi là một quốc gia tự do và một nền kinh tế tự do."
Công nhân Việt Nam ở 'thành phố Trung Quốc giữa lòng châu Âu' của Serbia
Hy Lạp không phải là nơi duy nhất của châu Âu nhận hàng tỷ đô la của Bắc Kinh đầu tư vào.
Đứng trên sườn đồi nhìn ra thành phố Bor của Serbia, bạn sẽ không bị coi là bất thường gì nếu ngỡ rằng mình đang ở một tỉnh của Trung Quốc. Các công nhân hét lên bằng tiếng Quan Thoại, cờ đỏ cắm khắp nơi, và các văn phòng hành chính có dáng dấp của những đền chùa.
Trung Quốc đang đổ tiền vào mỏ đồng, vốn là thứ đã định danh cho nơi này từ nhiều thập kỷ qua. Việc khai thác kim loại đã khiến nước ở một số hồ và bể chứa gần đó chuyển sang màu gỉ sét.
Mỏ đồng gần thành phố Bor của Serbia
Đó cũng là một phép ẩn dụ về cách mà màu đỏ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang để lại dấu ấn trên khắp lục địa này.
Nằm trong châu Âu nhưng lại ngoài Liên minh châu Âu, Serbia không có mức bảo vệ quyền lợi cho người người lao động cao như ở Dublin, Madrid hay Vienna.
Điều này đã được thể hiện vô cùng sắc nét khi chúng tôi gặp một người đàn ông Việt Nam 35 tuổi trong bóng râm của một tòa nhà vô chủ ở thành phố Zrenjanin, phía bắc thủ đô Belgrade.
"Công ty Trung Quốc đối xử với chúng tôi rất tệ. Họ không tôn trọng chúng tôi," người đàn ông đã có ba con nói với chúng tôi bằng một giọng nhỏ nhẹ.
Dũng - không phải tên thật - cho biết anh được trả số tiền tương đương 1.200 bảng Anh để đến Serbia xin việc tại nhà máy sản xuất lốp xe Ling Long. Nhưng anh đã sớm hối hận.
"Họ bắt chúng tôi phải làm việc nhiều hơn, nhưng không cung cấp đủ đồ ăn uống. Khi mới đến, tôi được cấp lượng thức ăn nhiều gấp đôi so với bây giờ."
Dũng giải thích rằng khoảng 400 công nhân Việt Nam được tuyển mộ nhận được mức lương thấp hơn so với công nhân Trung Quốc làm cùng.
"Cứ khoảng 20 đến 30 công nhân sống chung với nhau trong một container. Họ đối xử với chúng tôi như nô lệ."
Anh đã cố gắng bỏ việc của mình sau năm tháng, nhưng chủ lao động tuyên bố anh không có cơ hội bay trở về Việt Nam. Anh bị mắc kẹt lại nơi cách nhà hàng ngàn dặm.
Sau đó, chúng tôi nghe nói Dũng đã tìm cách trở về với gia đình - nhưng phải đi vay khoản tiền 1.500 bảng Anh để lo trang trải chi phí.
Không chỉ điều kiện sinh hoạt tồi tệ mới là điều một số tổ chức từ thiện đang cảnh báo - các hợp đồng mà người lao động được yêu cầu ký cũng là cả vấn đề.
Các giấy tờ tuyển dụng mà chúng tôi xem được ở Serbia - một quốc gia đang muốn gia nhập EU - dường như đã được sao chép, cóp nhặt từ những tài liệu được sử dụng cho lao động nước ngoài ở các quốc gia Trung Đông vẫn còn duy trì mức án tử hình.
Nhà máy sản xuất lốp ô tô Ling Long, Serbia
Các tổ chức phi lợi nhuận (NGO) của Serbia - những tổ chức đầu tiên nói với chúng tôi về điều kiện tại nhà máy sản xuất lốp xe Ling Long - nói rằng họ đã rất sốc khi nhận ra điều gì đang xảy ra ở đó.
"Đó là trường hợp buôn người và bóc lột lao động rõ ràng nhất mà chúng tôi gặp phải ở nước này cho đến nay," Danilo Curcic từ tổ chức phi chính phủ A 11 Initiative nói. Ông nói những gì đã xảy ra tại nhà máy là lời cảnh báo đối với phần còn lại của châu Âu - khi các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng khắp lục địa.
Nhà máy Ling Long không phản hồi những cáo buộc của Dũng và những người khác, nhưng truyền thông địa phương ở Serbia đưa tin công ty nói rằng họ đã cam kết thực hiện các tiêu chuẩn cao về phúc lợi cho người lao động.
Chính phủ Serbia lập luận rằng đầu tư từ Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này, và Tổng thống Aleksandar Vucic nói rằng đầu tư của Trung Quốc hơn nữa không nên bị làm tổn hại chỉ bởi một số lượng nhỏ công nhân Việt Nam.
'Bẫy dữ liệu'
Những cáo buộc vi phạm nhân quyền như thế này ở châu Âu của Trung Quốc làm rõ thêm cách đối xử của nước này với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại tỉnh Tân Cương.
Nhưng cũng có những lý do cần thận trọng khác.
Richard Moore, người đứng đầu bộ phận tình báo nước ngoài của MI6, Anh, đã cảnh báo không chỉ về bẫy nợ của Trung Quốc mà còn cả "bẫy dữ liệu". Năm ngoái, ông nói với BBC rằng Trung Quốc có khả năng "thu thập dữ liệu từ khắp nơi trên thế giới" và sử dụng tiền để "khiến mọi người mắc câu".
Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc như vậy.
Tuy nhiên, ở Anh, hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei đã bị cấm sử dụng cơ sở hạ tầng 5G của Anh. Công ty cũng phải đối mặt với sự giám sát liên tục đối với các hoạt động bảo mật của mình và về việc liệu họ mối liên hệ mật thiết gì với chính phủ Trung Quốc hay không, điều mà họ phủ nhận.
Hoa Kỳ đã áp các biện pháp trừng phạt đối với công ty này.
Trở lại Belgrade, chúng tôi thấy có một số trong tổng 8.000 camera an ninh đã được lắp đặt trên đường phố. Các nhóm nhân quyền lo ngại rằng công nghệ sinh trắc học của Huawei có thể được sử dụng cùng với những camera này, nhưng chính phủ Serbia cho biết khả năng nhận dạng khuôn mặt sẽ không sớm được đưa ra sử dụng.
Đường cao tốc ở Montenegro
Đối với bẫy nợ của Trung Quốc, những người chỉ trích Bắc Kinh chỉ ra một dự án lớn khác ở châu Âu. Cũng như với Serbia, dự án này nằm ngoài quỹ đạo của các quy tắc và quy định của EU - nó nằm ở Montenegro.
Lái xe dọc theo đường cao tốc duy nhất của đất nước là một trải nghiệm siêu thực. Cả con đường chỉ có chúng ta, ngoài ra chỉ có đàn cừu đang thơ thẩn ở khu bảo tồn trung tâm.
Ý tưởng thai nghén từ lâu về con đường có thể di chuyển cực nhanh, với mục tiêu nhằm thúc đẩy thương mại ở quốc gia Balkan này - bằng cách nối cảng Bar, trên Biển Adriatic ở phía nam, với biên giới với Serbia ở phía bắc. Nhưng các nghiên cứu khả thi liên tiếp của châu Âu kết luận rằng nó sẽ quá phức tạp và quá tốn kém.
Thế là Trung Quốc bước vào, với ngân khoản 1 tỷ đô la (793 triệu bảng Anh). Không phải là một món quà cho Montenegro, mà là một khoản vay nước này sẽ phải hoàn trả.
Tuy nhiên, sáu năm sau khi khởi công xây dựng, mới chỉ có khoảng 41 km (25 dặm) được hoàn tất - khiến nó trở thành một trong những con đường xe chạy đắt nhất thế giới.
Sau khi lượn qua những cây cầu và qua những đường hầm chạy xuyên qua vùng nông thôn trên đoạn đường đã xây xong, chúng tôi thực sự đến được phần cuối của xa lộ. Dự án bị cáo buộc tham nhũng và lại quả - và đã trễ hai năm. Một số người đặt câu hỏi rồi không biết đến khi nào nó mới được làm xong.
Các điều khoản của thỏa thuận với Trung Quốc nêu rõ rằng nếu Montenegro không trả được khoản vay này theo từng đợt đã định, thì bất kỳ quyết định nào về những thiệt hại có thể phải bồi thường sẽ được thực hiện tại Bắc Kinh. Trung Quốc có thể chiếm giữ các tài sản khác - bao gồm cả cảng Bar.
Bộ trưởng trong chính phủ Montenegro được thừa kế chiếc cốc tẩm độc này là Milojko "Mickey" Spajić, 34 tuổi. Ông trông rất sáng sủa và dễ chịu khi chúng tôi gặp nhau trên Zoom, và giải thích cách ông đã nghĩ ra và đảm bảo một thỏa thuận trả nợ để con đường cao tốc không bao giờ có thể phá sản đất nước của ông.
Đối với ông, vị thế của Montenegro là biểu tượng cho nhiều quốc gia nhỏ hơn đang tìm kiếm nguồn vốn để bắt đầu các dự án cơ sở hạ tầng và thúc đẩy nền kinh tế của mình.
"Chúng tôi cần các khoản đầu tư. Nếu Trung Quốc là bên duy nhất quan tâm đến việc đầu tư vào, tôi nói hãy tiếp tục, nhưng chỉ cần cẩn thận về các điều khoản của các khoản đầu tư này, các điều kiện và đảm bảo mọi thứ phù hợp với các chính sách chung của mình."
Tuy nhiên, vào tuần trước, Spajić đã mất ghế khi một chính phủ thiểu số mới được hình thành. Việc xây dựng phần còn lại của đường cao tốc - và trả nợ cho Trung Quốc - giờ đây sẽ là vấn đề đối với người kế nhiệm ông.
Cây cầu Croatia
Đối với tất cả những lời chỉ trích ở Trung Quốc, có một dự án mà một số người coi là một ví dụ về thực tiễn xây dựng tốt và sự hợp tác hiệu quả giữa Đông và Tây. Nó nằm ngay trên bờ biển Adriatic từ Montenegro - ở Croatia.
Mặc dù hôm chúng tôi tới là Chủ Nhật, nhưng công việc trên cây cầu Pelješac vẫn đang diễn ra sôi nổi - với những chiếc xe tải chạy qua cầu và các thanh dầm được hạ xuống, bắt vào vị trí.
Đây là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của Croatia; nó sẽ nối bán đảo Pelješac với đất liền Croatia. Hiện tại, để đến được đất liền, người Croatia trên bán đảo phải vượt qua một đoạn bờ biển thuộc nước láng giềng Bosnia.
Cầu Pelješac, Croatia, đang được xây dựng
Hầu hết các hóa đơn cho cây cầu mới đã được EU chi trả - Croatia là một thành viên EU - nhưng cầu là do Bắc Kinh xây dựng, cho đến tận đinh ốc cuối cùng. Đội quân các thợ sơn, quét, rải nhựa đường đều là người Trung Quốc.
Tuy nhiên, dự án này không khỏi gây tranh cãi.
Giá thầu từ công ty quốc doanh Trung Quốc, Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc, rẻ hơn 20% so với đối thủ đeo bám sát nhất. Các đối thủ châu Âu gọi là m màn chơi xấu - nhưng điều đó không đủ để chặn việc nhà thầu Trung Quốc đạt được thỏa thuận thực hiện dự án.
Đối với Branimir Vidmarovic, giáo sư tại Đại học Pula ở Croatia, cầu Pelješac là một minh chứng về nơi các nước châu Âu có thể tìm thấy sự cân bằng giữa Đông và Tây và không xa lánh Mỹ, thị trường lớn nhất thế giới.
"Nếu chúng ta loại trừ các công nghệ quan trọng, nếu chúng ta hợp tác trên những lĩnh vực vật lý như đường sắt, dự án cơ sở hạ tầng, thì tôi không nghĩ có vấn đề gì trong việc làm hài lòng cả EU, NATO, Hoa Kỳ và Trung Quốc," ông nói.
Nhưng Tòa Bạch Ốc của ông Biden, thừa hưởng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc từ chính quyền ông Trump, thì không làm dịu bớt quan điểm của mình đối với Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực, và kêu gọi châu Âu quay lưng lại với các nguồn tài trợ và ưu đãi của Trung Quốc.
Chúng tôi hy vọng được nói chuyện với một nhà ngoại giao đương nhiệm hàng đầu của Trung Quốc để tìm hiểu thêm về suy nghĩ của Bắc Kinh đằng sau việc mở rộng sang châu Âu. Nhưng không ai trong số năm đại sứ Trung Quốc mà chúng tôi tiếp cận dành thời gian trả lời.
Cho dù bên trong EU, như Hy Lạp và Croatia - hay ở ngoài, hạn như Serbia và Montenegro - các quốc gia châu Âu sẽ phải cân nhắc những ưu, khuyết khi chọn có các thỏa thuận với Trung Quốc trên cơ sở xem xét từng trường hợp.
Việc người bạn thân nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình là ông Vladimir Putin - người đã đẩy châu Âu vào cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất kể từ Thế Chiến II - là một yếu tố sẽ làm lu mờ mọi quyết định được đưa ra.
Nội dung tường thuật được hỗ trợ bởi Kostas Kallergis
Theo BBC News Tiếng Việt