Đó là những bức tượng nhỏ làm bằng đất sét hoặc chất liệu khác mà người yêu trà thường lưu giữ và… tắm để cầu may. Tạm gọi “tượng ưa thích của người đam mê trà” hoặc ngắn gọn hơn là “trà sủng” theo cách gọi của Trung Quốc.
Hiện nay, trên mạng bày bán nhiều bức tượng nhỏ của những người đam mê trà (trà sủng) (茶宠) có nguồn gốc từ Trung Quốc, còn người Hàn Quốc gọi là trà hữu (다우), tức bạn trà. Đây là vật dụng gì?
Xin thưa, đó là những bức tượng nhỏ làm bằng đất sét hoặc chất liệu khác mà người yêu trà thường lưu giữ để cầu may, chúng tôi tạm gọi là “tượng ưa thích của người đam mê trà” hoặc ngắn gọn hơn là “trà sủng” theo cách gọi của Trung Quốc.
Lạ lùng những cách ‘tắm’ tượng độc đáo để cầu may, hút tài lộc - ảnh 1
Đổ nước trà lên để nuôi tượng (trà sủng)
ITEM.JD.COM, M.YOUZAN.COM
Người ta thường “nuôi” những tượng này bằng cách đặt chúng trên khay trà và đổ nước trà lên tượng trong thời gian uống trà. Do tượng không được tráng men, đơn sắc, thường xuyên hấp thụ nước trà nên theo thời gian chúng thay đổi màu và thoang thoảng mùi hương trà.
Hình tượng tiêu biểu và phổ biến nhất của người yêu trà là “cậu bé tè”, với thiết kế phần lớn là cao 76 mm, có màu nâu đỏ. Cậu bé này có khả năng phun ra nước khi người ta đổ nước nóng Vào. Ban đầu họ nhúng cậu vào nước lạnh cho đến khi đầy ½ phần nước trong bụng, sau đó đổ nước nóng vào để cậu "tè" nếu nước đủ nóng, nước càng nóng thì cậu càng "tè" xa.
Ngoài ra còn có một số tượng phổ biến, với ý nghĩa biểu tượng khác nhau: tì hưu và cóc vàng 3 chân giúp thu hút tài lộc, thịnh vượng; bàn chân như ý giúp mãn nguyện và hạnh phúc; con voi đem đến may mắn và tốt lành; những thiếu nhi “đồng nam đồng nữ” chạm khắc trên thỏi vàng (hoặc tượng riêng lẻ) tượng trưng cho hạnh phúc; heo vàng biểu thị cho giàu sang và điềm lành; còn tê giác, sư tử và rùa là biểu tượng của may mắn và trường thọ; quả bầu tượng trưng cho nhiều con trai, đa phước lành…
Còn nhiều loại tượng khác mà ta có thể tìm thấy trên những trang mạng tiếng Việt như tượng Đại thánh, Ngũ hầu, Song ngư, Kỳ lân, Toan nghê, Tiểu Như lai hay quả vải đổi màu, bí đỏ phun nước,…
Những loại tượng kể trên có thể làm bằng nhựa, đất sét hoặc chất liệu khác. Tuy nhiên loại trà sủng chính hãng của Trung Quốc, có chất lượng cao thì phải làm bằng đất sét Nghi Hưng (Yixing) – tên một địa danh thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Lạ lùng những cách ‘tắm’ tượng độc đáo để cầu may, hút tài lộc - ảnh 2
Những loại trà sủng Trung Quốc trên trang mua sắm trực tuyến Urembo
UREMBOARTSR.COM
Lạ lùng những cách ‘tắm’ tượng độc đáo để cầu may, hút tài lộc - ảnh 3
Loại trà sủng "thiếu nữ mập" của Trung Quốc bán trên thị trường nước Mỹ, chủ yếu là vui
AMAZON.COM
Vào thời nhà Tống (960–1279), bên cạnh việc sản xuất các vật dụng uống trà bằng đất sét Nghi Hưng nổi tiếng, các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ bắt đầu nghĩ ra việc nặn loại đất sét này thành nhiều sinh vật hoặc động vật thần thoại khác nhau để làm linh vật cho những người đam mê trà. Ngày nay, việc sản xuất “trà sủng” vẫn tập trung ở vùng Nghi Hưng.
Có ba loại đất sét Nghi Hưng: tím, đỏ và xanh lục. Đất sét tím là loại chính, sau khi nung sẽ chuyển sang màu nâu đỏ hoặc nâu sẫm; đất sét đỏ, còn được gọi là "vàng gốc", cho màu sắc tươi tắn sau khi nung; còn đất sét xanh có màu tương tự như vỏ trứng vịt, sẽ giống màu trắng nhạt sau khi nung. Loại này hiếm hơn đất sét tím và đắt hơn.
Cách lựa chọn và nuôi tượng tìm kiếm sự may mắn
Nhìn chung là nên chọn tượng có kết cấu và hình dáng tinh xảo, kích cỡ vừa phải, không quá lớn, thân tượng có thể chứa được nước càng tốt. Tượng cần phù hợp với khay trà, tính thẩm mỹ và tinh thần của bạn.
Có thể nuôi tượng theo hai cách: "lên men" nhân tạo và "lên men" tự nhiên. Lên men nhân tạo nghĩa là cho tượng mới vào thùng trà, ủ trong 2-4 ngày; còn lên men tự nhiên thì mất thời gian, để cho tượng dần dần hình thành hiệu ứng.
Trong quá trình nuôi bạn tưới nước trà lên tượng, không dùng nước máy; cần làm sạch tượng bằng bàn chải mỗi ngày; thường xuyên chà xát bằng vải trà để giữ tượng sáng bóng.
Nếu tượng có màu sẫm, bạn có thể ngâm vào trà Phổ Nhĩ (Pu'er) đun sôi hoặc trà đen rồi lau khô. Nếu tượng nhạt màu, bạn có thể thử với trà xanh hoặc trà thơm; cần thường xuyên lau tượng bằng khăn mềm không xơ và chà xát tượng trong lòng bàn tay.
Lạ lùng những cách ‘tắm’ tượng độc đáo để cầu may, hút tài lộc - ảnh 4
Loại trà sủng truyền thống của Trung Quốc bàn chân như ý và cóc vàng 3 chân (hàng trên), tì hưu và quả bầu (hàng dưới)
Nếu có thể, tốt nhất bạn sử dụng một loại trà để nuôi tượng, mục đích để màu sắc của tượng không bị lẫn tạp chất do tiếp xúc với các kết cấu khác nhau của trà.
Tóm lại, mỗi loại tượng đều có ý nghĩa riêng, đại diện cho cái tâm và tín ngưỡng của người đam mê trà. Theo thời gian, loại tượng này được mài nhẵn, có màu sắc ấm, mịn hay bóng bẩy… chính là biểu trưng cho suy nghĩ của người thưởng trà.
|
|