Hẳn bạn đang thắc mắc giày cao gót thì liên quan gì đến việc đi mua sắm. Thế nhưng sự liên quan của chúng lại khiến bạn phải ngỡ ngàng đấy.
Một nghiên cứu của Đại học Brigham Young (Mỹ) đã tìm ra rằng, khi đi mua sắm trên những đôi giày cao gót thì bạn thường chọn những món đồ có giá bậc trung thay vì những sản phẩm quá đắt. Nguyên nhân do việc hơi mất cân bằng trong khi đưa ra quyết định (kể cả khi mua sắm trực tuyến) giúp chúng ta có thể tránh được việc mua sắm vô tội vạ.
Tất cả các hoạt động khác như tập yoga, ngả ra sau một chiếc ghế không có tựa lưng, hoặc đứng bằng một chân, cũng sẽ giúp bạn không vung tay quá trán.
Ngoài ra, một số mẹo dưới đây cũng sẽ giúp bạn tránh việc mua sắm bốc đồng khi bước vào các trung tâm thương mại:
Lập ngân sách và bám sát nó
Điều đầu tiên là bạn cần có ngân sách. Nếu bạn chưa có, hãy dừng lại và dành 10 phút để thực hiện ngay bây giờ trên giấy hay ngay trên điện thoại của bạn.
Đừng nghĩ rằng lập ngân sách là xong, cốt lõi nằm ở việc bạn phải thực sự bám vào nó! Bạn phải biết số tiền của mình đi đâu mỗi tháng và sau đó thực hiện theo kế hoạch đó. Nếu chưa có ngân sách, đừng tiêu tiền.
Mang một lượng tiền mặt hạn chế
Trừ khi bạn đi mua sắm ở nước ngoài, bạn hãy thử giới hạn số tiền bạn mang theo khi đi ra ngoài mua sắm. Trước khi ra ngoài, bạn cần tính toán số tiền bạn cần mang đi theo danh sách các đồ cần mua sắm và chỉ mang theo lượng tiền mặt cần thiết để mua sắm. Bạn hãy để thẻ tín dụng ở nhà! Nếu bạn không có tiền, bạn không thể tiêu!
Giữ các tờ tiền mới trong ví của bạn
Một nghiên cứu khác nói rằng, hình thức bên ngoài của tiền cũng ảnh hưởng đến chi tiêu của chúng ta. Mọi người có xu hướng cho đi những tờ tiền trông cũ, bẩn và sờn. Hãy cố gắng giữ các tờ tiền mới trong ví của bạn và gửi phần còn lại vào tài khoản ngân hàng.
Đi mua sắm khi no bụng
Đừng bao giờ đi mua sắm khi đang đói. Trong tình huống bụng cồn cào, bạn chỉ nghĩ tới thèm ăn và số lượng nhiều. Chắc bạn bạn sẽ đưa ra lựa chọn ngớ ngẩn, đặc biệt nếu đang mua tạp hóa.
Bí kíp này thoạt nghe hơi buồn cười, song theo kinh nghiệm của nhiều người, nhất là phụ nữ, họ thường đi siêu thị sau giờ làm để chuẩn bị bữa tối. Khi đói bụng, tâm lý của chị em hay nhặt nhiều vào giỏ mà quên mất rằng lúc đói bụng, mình "đói mắt" chứ thực ra không ăn nhiều như vậy.
Chờ một ngày (hoặc lâu hơn) trước khi bạn mua hàng
Hãy dành cho bản thân một ngày hoặc lâu hơn để bình tĩnh lại. Khi bạn có một cái đầu tỉnh táo và một quan điểm mới, hãy tự hỏi bản thân xem bạn có thực sự sử dụng thứ này không và liệu bạn có thể trả tiền mặt cho nó ngay bây giờ hay không. Đó là một cách đơn giản để xem xét lại giao dịch.
Và hãy để ý những giao dịch chỉ kéo dài trong 24 giờ. Đừng để bộ đếm ngược thời gian giảm giá thúc đẩy bạn mua bất cứ thứ gì! Hãy ghi nhớ ưu đãi này, tiết kiệm một số tiền và sẵn sàng cho lần sau nếu bạn không đủ khả năng mua ngay bây giờ. Bởi vì nhà sản xuất sẽ lại có đợt giảm giá sớm thôi.
Đừng bị lôi cuốn bởi chương trình khuyến mại chớp nhoáng
Nếu bạn phát hiện ra bất kỳ chương trình khuyến mại hoặc giao dịch nào chỉ có một ngày hoặc có giới hạn thời gian, đừng để nó khiến bạn phải mua bất cứ thứ gì! Trừ khi nó đã có trong danh sách mua sắm của bạn, bạn hãy thử giả vờ rằng bạn thậm chí không nhìn thấy nó.
Tránh tương tác lâu với nhân viên tiếp thị
Tương tác tích cực với khách hàng là một trong những quy tắc được nhiều nhà bán lẻ tuân thủ cẩn thận. Các nhân viên bán hàng tương tác với khách hàng của họ càng nhiều thì càng khiến khách hàng ở lại cửa hàng lâu hơn và càng có nhiều khả năng khách hàng mua nhiều hơn so với dự định. Biết được điều này, bây giờ bạn có thể cố gắng giảm các tương tác này xuống càng ngắn càng tốt hoặc hoàn toàn không tương tác.
Cẩn thận với người đi mua sắm cùng
Người đi cùng có thể là lý do chết người khi đi mua sắm. Nếu bạn đi cùng với một cô bạn sành sỏi, thật dễ dàng để cô ấy thuyết phục bạn bỏ qua hàng rào cảnh giác và mua món hàng, chỉ vì "nó hợp với bạn" hoặc nó "đang được giảm giá".
Đi mua một mình cũng có thể giúp bạn tập trung, tiết kiệm, không có cảm giác phải gây ấn tượng với ai.