Tiếng Anh ngày nay đã trở thành một ngôn ngữ thông dụng và có mặt ở hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống. Bởi thế, phụ huynh cũng quan tâm tới chuyện cho con được học tiếng Anh ngay từ nhỏ. Cũng từ đây mà các trung tâm dạy tiếng Anh, các giáo cụ, tài liệu học tiếng Anh dành cho lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Mới đây, một bức ảnh được đăng tải lên MXH được cho là lấy từ một trang sách dạy tiếng Anh cho thiếu nhi khiến nhiều người chú ý. Theo đó, trang sách này liệt kê các từ tiếng Anh có hai âm cuối giống nhau kèm hình minh họa. Chẳng hạn như với hai âm a-p thì có các từ đi kèm là cap (mũ lưỡi trai) - tap (vòi nước) - map (bản đồ).
Phía dưới, với hai âm cuối là at, sách này đã lấy ví dụ là mat (tấm thảm) - rat (con chuột) - hat (mũ) và thêm một từ nữa có hình minh họa là con mèo. Nhưng thay vì chú thích từ con mèo theo nghĩa tiếng Anh, trang sách này lại ghi là fat có nghĩa là mập.
Ví dụ này khiến nhiều người không khỏi ngớ người vì hình một đằng giải nghĩa một nẻo. Dân mạng liên tục đưa ra bàn luận về chi tiết này của trang sách: "Body shaming boss ư?", "Cái này là lỗi sai hay là sách đúng rồi nhỉ?", "Sai chính tả hay chê con mèo mập vậy?"
Có thể thấy, chính dân mạng khi xem hình ảnh này cũng phải đau đầu suy nghĩ là nhà biên soạn đã vô tình làm sai hay thực sự họ muốn giải nghĩa như thế vì xem trong ảnh, chú mèo cũng không ốm lắm đâu.
Cách đây không lâu, một cậu bé học lớp 7 ở Trung Quốc cũng nhanh trí phát hiện ra một chi tiết sai tương tự như trên. Theo đó, cậu nhóc này cho biết: "Trong trang 95 của sách giáo khoa tiếng Anh xuất hiện một bức ảnh minh họa có vấn đề nhỏ. Sách in 3 bức ảnh chụp côn trùng. Theo mô tả bằng tiếng Anh thì chúng lần lượt là con bướm, kiến và ong. Nhưng hình minh họa cuối cùng của con ong, được chú thích là 'bee' thực chất không phải ong mà là con ruồi, cụ thể là loài ruồi giả ong".
Cậu bé phân tích loài ong có 2 cặp cánh, còn ruồi giả ong chỉ có một cặp cánh mà thôi. Bên cạnh đó, bụng của ong tròn hơn bụng của ruồi một chút, râu của loài ong cũng dễ nhận biết hơn. Vậy nên dù chúng trông vô cùng giống nhau nhưng vẫn có thể phân biệt được. Các nhà biên tập sách đã lựa chọn sai hình minh họa của con ruồi giả ong chứ không phải con ong thật.
Sau đó, nhà xuất bản quyển sách đã gọi điện trực tiếp cho mẹ của Tiểu Thôi để phản hồi về lời góp ý của em. Đại diện nhà xuất bản cho biết: "Chúng tôi đã kiểm tra và đúng là có sai sót. Chúng tôi đã hỏi ý kiến của các chuyên gia Sinh học và xác nhận rằng mặc dù 2 loài côn trùng này trông rất giống nhau, nhưng việc để ảnh con ruồi trong khi viết là 'con ong' là không chính xác.
Khi tái bản, chúng tôi sẽ thay ảnh. Vì đây là sách giáo khoa nên chúng tôi phải báo cáo với Bộ Giáo dục trước khi thực hiện việc thay đổi. Xin cảm ơn vì đã gửi đề xuất".