Trung Quốc muốn đẩy mạnh nâng cao tay nghề cho tầng lớp lao động nhưng thế hệ trẻ nước này lại chỉ muốn "nằm yên mặc kệ đời".
Fan Yuxuan, một thợ cơ khí trẻ có trình độ, dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ hoặc lướt Internet tại nhà ở Bắc Kinh.
Đây là tình trạng xảy ra sau khi Fan nghỉ việc tại một cửa hàng thuốc lá điện tử cách đây 2 tháng. Công việc này có mức lương 6.000 nhân dân tệ (tương đương 938 USD) một tháng nhưng sau một cuộc cãi vã với khách hàng, Fan quyết định bỏ việc.
Kể từ đó, chàng trai 20 tuổi đã dành phần lớn thời gian để "nằm im", trong khi cha mẹ anh liên tục hỏi xin việc làm cho cậu con trai duy nhất của họ.
THAM VỌNG CỦA TRUNG QUỐC
Fan được đào tạo để trở thành thợ cơ khí tại một trường dạy nghề địa phương, nhưng cậu chưa bao giờ thích làm việc. Dù vậy, Fan vẫn "lết" qua 3 năm học, rồi cuối cùng bắt đầu tập tành hút thuốc.
"Tôi thích hút thuốc, vì vậy tôi đã chọn làm nhân viên bán hàng trong một cửa hàng thuốc lá điện tử sau khi tốt nghiệp," Fan nói. "Hai năm là đủ rồi. Tôi cảm thấy nhàm chán với việc đối phó với khách hàng."
Nhiều bạn học tốt nghiệp của Fan đến từ các vùng nông thôn đã nhận việc làm công nhân lành nghề và kỹ thuật viên trong các nhà máy ở các tỉnh ven biển, trung tâm sản xuất của Trung Quốc. Nhưng con đường sự nghiệp đó không dành cho Fan.
Công nhân kiểm tra các cuộn nhôm tấm tại một nhà máy ở Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Ảnh: AFP
"Tôi không ghen tị với họ," Fan nói. "Họ làm việc chăm chỉ như vậy nhưng chỉ có thể kiếm được tối đa 10.000 nhân dân tệ một tháng. Giá bất động sản trung bình ở trung tâm thành phố Bắc Kinh là 100.000 nhân dân tệ mỗi mét vuông. Tôi không muốn lãng phí thời gian của mình vào những công việc mệt mỏi như vậy khi tương lai quá ảm đạm".
"Sẽ không có công việc nào tốt cho tôi. Trình độ học vấn của tôi quá thấp", anh nói thêm. "Khi chắc chắn rằng tất cả những nỗ lực của tôi khi tìm kiếm việc làm sẽ vô ích, tại sao phải bận tâm?".
Fan không phải là trường hợp cá biệt. Bốn thập kỷ phát triển kinh tế rực rỡ cũng kéo theo khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng, và giới trẻ Trung Quốc đang tạo ra một phong trào phản kháng trong xã hội với tên gọi là "tang ping", hay "nằm bẹp", để chống lại văn hóa làm việc "996" (làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần) quá sức và kéo dài.
Làn sóng thế hệ trẻ Trung Quốc tham gia phong trào tang ping đã gia tăng tại Trung Quốc trong những năm gần đây.
Với mục tiêu mang lại hy vọng cho những người như Fan, các cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đã cam kết đảm bảo cải thiện mức lương cho những người lao động có kỹ năng được đào tạo nghề, để họ có thể trở thành một phần của tầng lớp trung lưu khi đất nước tiếp tục hướng tới mục tiêu "thịnh vượng chung", nơi mọi công dân đều có chung cơ hội trở nên giàu có.
Nền kinh tế số 2 thế giới đang thiếu hụt rất nhiều công nhân lành nghề, với chỉ khoảng 30% lực lượng lao động có trình độ trung học trở lên, một trong những mức thấp nhất trong số các quốc gia có thu nhập trung bình. Tham vọng của Trung Quốc là sở hữu nhiều công nhân lành nghề hơn để thúc đẩy cả năng lực sản xuất và tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, có một vấn đề lớn mà nước này đang vấp phải: người trẻ không muốn đi làm.
MỤC TIÊU THỊNH VƯỢNG CHUNG
Vào tháng 8, Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên nêu ra tầm nhìn của ông về "sự thịnh vượng chung". Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ nâng cao kỹ năng nhân lực, khơi thông các kênh cho sự dịch chuyển xã hội đi lên, giúp thế hệ trẻ tránh "nằm bẹp" và biến những người lao động có tay nghề cao "trở thành thành phần quan trọng của tầng lớp trung lưu", ông Tập nói trong một cuộc họp của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Để thực hiện mục tiêu này, Hội đồng Nhà nước và Ban Chấp hành Trung ương Trung Quốc vào đầu tháng này đã ban hành một bộ hướng dẫn về thúc đẩy "phát triển chất lượng cao của giáo dục nghề nghiệp hiện đại".
Theo kế hoạch chi tiết, đến năm 2025, ít nhất 10% sinh viên theo học tại các trường cao đẳng nghề sẽ phải theo học các chương trình cử nhân, với mục đích đưa hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Trung Quốc trở thành "một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới" vào năm 2035.
Trung Quốc có gần 10.000 trường trung cấp nghề và 1.500 trường cao đẳng nghề. Tính đến năm 2020, những trường này có 31 triệu sinh viên, tương đương 35% trong số những người ở độ tuổi từ 15 đến 22. Khoảng 8 triệu người đã tốt nghiệp hàng năm từ các trường như vậy trong những năm gần đây, chiếm phần lớn số công nhân lành nghề của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong số 200 triệu công nhân lành nghề của nước này, chỉ có 30% là "có tay nghề cao" - theo số liệu chính thức.
Dù Trung Quốc mong muốn nâng cao chuỗi giá trị bằng cách phát triển một ngành công nghiệp sản xuất tiên tiến như ở Đức, thì khoảng cách về lực lượng lao động có tay nghề là rất lớn. So với Đức, Trung Quốc đang thiếu ít nhất 30 triệu công nhân lành nghề trong lĩnh vực sản xuất và khoảng cách dự kiến sẽ tăng lên 40 triệu vào năm 2025.
Trung Quốc thề sẽ có thêm 40 triệu công nhân lành nghề vào năm 2025. Nếu không có trường dạy nghề mới nào được mở, điều đó có nghĩa là hầu hết tất cả sinh viên tốt nghiệp từ năm nay trở đi phải đạt chuẩn công nhân lành nghề.
Nhưng "đời không như mơ". Xiong Bingqi, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: "Vấn đề là giới trẻ xa lánh lĩnh vực sản xuất".
"Cụm từ 'cổ cồn xanh' ở Trung Quốc ám chỉ công việc mức lương thấp, địa vị xã hội thấp kém, môi trường làm việc khắc nghiệt và công việc tẻ nhạt trong các ngành truyền thống".
CÒN QUÁ NHIỀU BẤT CẬP
Các cuộc thăm dò dư luận cũng thể hiện điều đó. Khoảng 64% trong số 26.600 sinh viên cao đẳng nghề trong một cuộc khảo sát toàn quốc gần đây của China Youth Daily cho biết họ sẽ không làm việc trong các nhà máy hoặc công trường xây dựng: hoặc vì lao động tại nhà máy quá buồn tẻ, không có triển vọng phát triển nghề nghiệp và mức lương, hoặc vì công việc môi trường không hấp dẫn và các lựa chọn xã hội hóa bị hạn chế.
Chưa tới 1/3 số người được hỏi cho biết bạn học cũ của họ đã trở thành thợ điện, thợ hàn hoặc công nhân lành nghề khác trong lĩnh vực sản xuất.
Đào tạo nghề ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua đã bị cản trở bởi vấn đề "hình tượng" - tầm bằng nghề bị coi là kém hơn so với bằng đại học. Nói chung, học sinh có điểm thấp trong kỳ thi vào trung học hoặc đại học sẽ đăng ký vào các trường dạy nghề, những người tốt nghiệp trường nghề được coi là có trình độ học vấn thấp hơn và hầu như đều bị các công ty lớn hoặc cơ quan hành chính với mức lương cao từ chối.
Tính đến tháng 9, mức lương trung bình hàng tháng của sinh viên mới tốt nghiệp từ 30 trường cao đẳng nghề hàng đầu của Trung Quốc là 6.276 nhân dân tệ, thấp hơn 30% so với mức trung bình của sinh viên tốt nghiệp 100 trường đại học và cao đẳng hàng đầu - theo nhà cung cấp dữ liệu về tiền lương Xinchou.cn có trụ sở tại Thượng Hải.
Ông Xiong nói: "Trung Quốc đã học hỏi từ Đức trong nhiều thập kỷ trong việc đào tạo công nhân lành nghề. Sự phân biệt đối xử đối với đào tạo nghề nên chấm dứt, bắt đầu từ việc chính phủ phải tăng cường tài trợ cho các trường như vậy".
Theo số liệu chính thức, nguồn tài trợ chính thức cho các trường dạy nghề và cao đẳng năm ngoái ít hơn 40% so với các trường trung học phổ thông và đại học. Hỗ trợ tài chính bổ sung sẽ cho phép các trường cập nhật chương trình giảng dạy của họ và dạy cho sinh viên các bộ kỹ năng liên quan mà các công ty đang tìm kiếm, Xiong nói.
Việc đó chắc chắn sẽ giúp ích cho những người như Su Xiaojian, người đã gia nhập một doanh nghiệp nhà nước ở Nội Mông, sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng nghề địa phương vào năm 2019.
Chuyên ngành cơ khí, điều khiển số, lập trình có sự hỗ trợ của máy tính và nhiều môn học khác ở trường đã giúp anh thích nghi tốt tại nhà máy. Nhưng các lĩnh vực công nghệ cao - chẳng hạn như đào tạo người máy và trí tuệ nhân tạo - vẫn nằm ngoài tầm với.
Mức lương hàng tháng của Su cao hơn mức trung bình của địa phương và anh đã mua được một căn hộ ở Baotou. Tuy nhiên, chàng trai 23 tuổi này vẫn không rõ liệu mình có thuộc tầng lớp trung lưu không.
Anh nói: "Nền tảng giáo dục của tôi tạo ra một mức trần [đối với phát triển nghề nghiệp]. Tôi không có khả năng tiếp cận với việc học các công nghệ hiện đại nhất tại nơi làm việc, đó cũng là một trở ngại".
Tuy nhiên, Su vẫn tiếp tục làm việc chăm chỉ. Anh đã vượt qua kỳ thi kiểm tra kỹ thuật viên trung cấp và mong muốn trở thành kỹ sư an toàn sản xuất để nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình.
"Tôi phải cố gắng hết sức để có thể có nhiều lựa chọn hơn, mặc dù tôi không biết liệu có tương lai tươi sáng hay không", anh nói.
Theo George Magnus, cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford: "Nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động là một yêu cầu cấp thiết và quan trọng nếu Trung Quốc muốn thực hiện tham vọng kinh tế của mình."
Magnus nói: "Các nhà chức trách phải giải quyết làm thế nào để việc học nghề trở thành một lựa chọn hấp dẫn, cải thiện nguồn vốn và tổ chức của họ, đồng thời tăng mức độ liên quan cho các triển vọng việc làm sau này. Họ cũng phải thúc đẩy phân phối thu nhập có lợi cho lao động có tay nghề cao và đảm bảo rằng các công ty tư nhân, nơi cung cấp hầu hết việc làm, có thể mở rộng phạm vi vị trí và trả lương cho những sinh viên tốt nghiệp như vậy."
VietBF @ Sưu tầm