Việc Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ giúp các thành viên tiếp cận sâu hơn thị trường rộng lớn của họ, nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về an ninh.
10 năm trước, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một "câu lạc bộ thương mại" do Mỹ dẫn đầu muốn tìm cách hạn chế ảnh hưởng của mô hình kinh tế Trung Quốc. Nhưng giờ đây, Washington đã rời đi và Bắc Kinh lại muốn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một phiên bản "không có Mỹ" của TPP.
Điều này dẫn tới hàng loạt cuộc thảo luận đầy khó xử trong nhóm các đồng minh của Mỹ đang tham gia TPP. Sau khi Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập CPTPP hôm 17/9, một số thành viên khẳng định bất kỳ ai cũng được hoan nghênh, trong khi số khác cho rằng Bắc Kinh có thể không phù hợp với tiêu chí của họ.
"Tôi không biết với vị thế của Trung Quốc bây giờ, liệu họ có thể trở thành thành viên mới hay không", Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói tại một cuộc họp báo ngày 17/9, đề cập đến các quy định về tập đoàn quốc doanh được đưa ra trong hiệp định.
"Chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng xem Trung Quốc đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn quy định cao của CPTPP hay không", Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói. "Chúng tôi sẽ tham vấn với các nền kinh tế khác trong quá trình phê chuẩn thành viên mới". Kato cũng đưa ra một danh sách dài các lĩnh vực mà ông hoài nghi về Bắc Kinh, bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hay trợ cấp cho tập đoàn nhà nước.
Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi thậm chí còn tuyên bố Tokyo phải xem xét đơn xin gia nhập của Trung Quốc "dưới góc nhìn chiến lược", thêm rằng quá trình phê duyệt đề nghị gia nhập CPTPP của Anh, vốn được đưa ra hồi đầu năm, vẫn chưa hoàn tất.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa 11 quốc gia, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định có hiệu lực từ cuối năm 2018 với Nhật Bản là nền kinh tế lớn nhất, giúp giảm thuế quan và các rào cản khác cho thành viên, hỗ trợ các nhà xuất khẩu, như nhà sản xuất thịt bò Canada bán sản phẩm của họ tại Nhật Bản.
CPTPP ra đời sau khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP năm 2017 với lý do nó không tốt cho người lao động nước này. Joe Biden, người kế nhiệm Trump, đã nêu rõ rằng ông không có ý định xem xét lại quyết định trên.
Thương mại tự do là một triển vọng hấp dẫn đối với các thành viên CPTPP, trong đó tất cả đều coi Trung Quốc là khách hàng lớn. Việc Bắc Kinh gia nhập CPTPP có thể mang đến lợi ích kinh tế quan trọng khi người dân và doanh nghiệp Trung Quốc có thể dễ dàng mua ôtô Nhật, phụ tùng ôtô Mexico hay sữa bột từ New Zealand.
Nhưng quan hệ thương mại chặt chẽ hơn, cùng triển vọng Trung Quốc thay thế Nhật trở thành thành viên lớn nhất của CPTPP, cũng tạo ra tác động nhất định tới an ninh quốc gia, điều được coi là gây khó xử cho các nước thành viên.
Trung Quốc gần đây căng thẳng với một số thành viên CPTPP về vấn đề an ninh, đặc biệt là Australia và Canada. Bắc Kinh nộp đơn xin gia nhập CPTPP sau khi Canberra đạt được thỏa thuận với Washington và London về việc đóng tàu ngầm hạt nhân cho Australia, động thái dường như nhằm đối trọng với sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
"Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng về địa chiến lược hơn là thương mại thuần túy", Tim Groser, cựu bộ trưởng thương mại New Zealand, nhận xét.
Theo Groser, việc Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP, với đòn bẩy là sức hấp dẫn từ thị trường nội địa nước này, làm bật lên một thực tế là để cạnh tranh với Bắc Kinh, Washington cần một kế hoạch kinh tế cụ thể cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bên cạnh các liên minh quân sự.
Các chuyên gia thương mại cho rằng ngay cả khi không vướng vào những vấn đề ngoại giao, chính trị phức tạp, Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP về bảo vệ môi trường và quyền lợi người lao động.
Dù Washington không còn là thành viên, CPTPP vẫn giữ nguyên tầm nhìn ban đầu của Mỹ rằng các thỏa thuận thương mại tự do cần hạn chế việc các tập đoàn nhà nước tận dụng những khoản trợ cấp từ chính phủ để cạnh tranh với khu vực tư nhân. Vấn đề này trở nên quan trọng hơn khi Trung Quốc, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, đã hỗ trợ rất mạnh cho các ngành công nghiệp và công ty họ coi là chiến lược như Huawei Technologies.
Đây cũng sẽ là thách thức với Trung Quốc trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn của hiệp định, Stephen Jacobi, cựu chuyên gia đàm phán thương mại, hiện là giám đốc một nhóm đại diện cho các nhà xuất khẩu hàng đầu New Zealand, nhận định. "Nhưng thật khó để tin rằng Trung Quốc có thể thực hiện những thay đổi đó nếu họ không cân nhắc cải cách trong các lĩnh vực này, ít nhất là như vậy", ông nói.
Yorizumi Watanabe, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kansai, Nhật Bản, cho biết mong muốn gia nhập CPTPP của Bắc Kinh là cơ hội để Tokyo và các đồng minh khác của Washington thuyết phục Trung Quốc quay trở lại tuân thủ những quy tắc quốc tế.
"Có những trí thức ở Trung Quốc tin rằng đất nước họ cần phát triển bằng cách tham gia vào một hệ thống các quy tắc thương mại tiên tiến như CPTPP", Watanabe cho hay. "Nhật Bản có thể nói với Trung Quốc rằng 'nếu muốn hòa hợp với Mỹ, bạn cần tuân theo các quy tắc TPP' và Tokyo có thể giúp họ làm điều đó".
|
|