Mặc dù bán xe chạy điện mãi không có lãi, nhưng Tesla có những tính toán cá nhân đằng sau việc thúc giục tăng mức phạt đối với các nhà sản xuất ô tô truyền thống tại Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, Tesla đang gây sức ép với một tòa án phúc thẩm Mỹ nhằm lập tức khởi động lại kế hoạch được đặt ra từ thời cựu Tổng thống Obama vào năm 2016, tăng gấp hơn 2 lần mức phạt đối với các nhà sản xuất ô tô không đáp ứng quy định về tiêu thụ nhiên liệu.
Chính quyền Tổng thống Trump ngày 14/1 đã quyết định tạm hoãn tăng mức phạt đến năm 2022. Tuy nhiên, Tesla nói với Tòa án phúc thẩm Mỹ rằng việc này là trái pháp luật và làm giảm hiệu quả của chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất xe chạy điện, như Tesla.
Mặc dù Tổng thống Joe Biden ủng hộ việc siết các quy định khí thải, nhưng chính quyền của ông lại phản đối đề nghị của Tesla gửi lên tòa án, vì cho rằng Cơ quan Quản lý An toàn đường cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA) đang xem xét kỹ lưỡng quyết định của chính quyền ông Trump đối với chính sách phạt vi phạm quy định về mức tiêu hao nhiên liệu trung bình của doanh nghiệp (CAFE) và sẽ hoàn tất việc đánh giá trong vòng 6 tháng. Một nhóm đại diện các nhà sản xuất ô tô truyền thống cũng phản đối việc lập tức tăng mức phạt.
Cả Tesla và NHTSA đều từ chối bình luận về vấn đề này.
Ban đầu, Tesla kiến nghị tòa án triển khai luôn việc tăng phạt vào ngày 4/3, với lập luận rằng quyết định của chính quyền cựu tổng thống Trump quá phi lý và gây tổn hại nghiêm trọng cho Tesla.
Trong đơn kiện, Tesla cho rằng việc chính phủ bật đèn xanh cho quá trình xem xét lại quyết định của ông Trump là đã bỏ qua những tác động tới thị trường trao đổi điểm tiêu hao nhiên liệu.
Bộ Tư pháp Mỹ đã bác bỏ lập luận của Tesla cho rằng hãng bị thiệt hại nặng nề, vì NHTSA còn chưa đánh giá mức phạt vi phạm CAFE đối với các xe phiên bản 2018 và 2019.
Tesla vẫn được xem như một hiện tượng lạ của ngành xe hơi, khi mà giá cổ phiếu tăng cả chục lần chỉ trong 5 năm, nhưng thực tế là công ty chưa bao giờ làm ăn có lãi, mãi cho tới năm 2020 vừa qua.
Cụ thể, trong năm 2020, Tesla đạt doanh số kỷ lục gần 500.000 xe, tăng trưởng 36% so với năm 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận của Tesla không hoàn toàn đến từ việc bán xe, mà phần nhiều đến từ việc bán "điểm" khí thải cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống.
Trong năm 2020, doanh thu từ việc bán điểm của Tesla đạt 1,58 tỉ USD, tăng mạnh so với mức 594 triệu USD của năm 2019.
Vì chỉ làm xe chạy hoàn toàn bằng điện nên Tesla thừa điểm về tiêu thụ nhiên liệu và khí thải. Do đó, hãng bán điểm cho các nhà sản xuất ô tô động cơ đốt trong truyền thống, và cho rằng việc chính quyền cựu Tổng thống Trump hoãn tăng phạt khiến cho hoạt động kinh doanh điểm môi trường của hãng bị ảnh hưởng.
VietBF@sưu tập