Dịch bệnh Covid-19 ở Pháp và châu Âu ngày càng nghiêm trọng. Châu Âu rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Mọi người ví đại hạn này hơn cả tế chiến II.
Hai ngày sau khi lệnh hạn chế di chuyển có hiệu lực, người dân ở Pháp bắt đầu quen với nhịp sống mới, hạn chế tối đa hoạt động ngoài đường phố. Trong khi đó số người nhiễm mới được xác nhận ở cả bốn nước Italy, Đức, Tây Ban Nha và Pháp tiếp tục gia tăng đáng rất lo ngại trong một ngày qua.
Cảnh sát Paris kiểm tra mục đích ra đường của người dân. (Ảnh: Le Monde/AFP)
Pháp nỗ lực kiểm soát bệnh dịch
Phát biểu trong cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh tối 18-3, Tổng cục trưởng Y tế Pháp Jérôme Salomon cho biết có thêm 1.404 trường hợp mới được phát hiện nhiễm virus corona và 89 ca tử vong ở nước này, nâng tổng số lên 9.134 ca nhiễm và 264 ca tử vong trên toàn nước Pháp. Số người nhiễm ở vùng thủ đô Île-de-France ngày càng gia tăng rất đáng lo ngại, cao nhất hiện nay với 516 ca mới phát hiện.
Riêng trong ngày 18-3, bốn nghìn xét nghiệm đã được thực hiện và tổng số xét nghiệm là 42.500 kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Ông Jérôme Salomon cho biết, thống kê xét nghiệm chỉ tính với những người có triệu chứng khó thở, sốt và ho. Số liệu này cho thấy trường hợp được phát hiện nhiễm bệnh hiện tăng rất nhanh, hôm sau tăng gấp đôi hôm trước.
Ông Jérôme Salomon nhận định rằng bệnh dịch ở Pháp ngày càng trở nên nghiêm trọng. Còn 931 bệnh nhân đang trong tình trạng sức khoẻ xấu. Khoảng 5.500 người bị nhiễm tự cách ly ở nhà và có khoảng 1.100 người đã xuất viện. Có 50% bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt là dưới 60 tuổi. Tỷ lệ tử vong của người nhiễm bệnh dưới 67 tuổi là 7% trong tổng số 264 người.
Sau một ngày thực hiện biện pháp hạn chế đi lại và chủ yếu là nhắc nhở mọi người chấp hành, từ ngày 18-3 các lực lượng an ninh Pháp bắt đầu kiểm tra gắt gao và phạt ngay những người vi phạm. Chỉ riêng ở khu vực thủ đô Paris và các thành phố ngoại ô, cảnh sát đã thực hiện hơn 10 nghìn lượt kiểm tra. Trong mấy ngày qua, người dân Pháp tỏ rõ sự lo lắng về bệnh dịch. Theo kết quả thăm dò của hãng Elabe, có 93% trong số được hỏi chấp nhận và tuân thủ các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt của Chính phủ.
Về quy mô, lệnh hạn chế di chuyển ở Pháp không khác gì biện pháp "phong tỏa" như ở Italy hay Tây Ban Nha dù không được khẳng định trong bài phát biểu của Tổng thống Emmanuel Macron trong tối 16-3. Hình ảnh trên truyền hình Pháp cho thấy tại nhiều nơi ở thành phố cũng như ngoại ô tĩnh lặng, vắng bóng người.
Lệnh hạn chế đi lại không cấm mọi người đi chợ mua đồ ăn, tuy nhiên chợ ngoài trời chưa bảo đảm yêu cầu về "biện pháp an toàn" tránh lây nhiễm do có nhiều người quây quanh một quầy hàng có đủ các mặt hàng ngoài thực phẩm như truyền hình phản ánh. Vì vậy, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho rằng cần phải chấm dứt tình trạng này, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ để không xảy ra tình trạng "đám đông" ở các chợ.
Trong hai ngày qua, cảnh sát Pháp đã kiểm tra 70 nghìn trường hợp vi phạm, phạt hơn bốn nghìn trường hợp. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết: Số tiền phạt được áp dụng ở mức 135 euro, thậm trí tới 375 euro nếu tái phạm. Mục đích phạt không chỉ để ngăn chặn những người vi phạm mà còn là sự cảnh báo rằng người dân phải chấp hành triệt các biện pháp hạn chế ra khỏi nhà, làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm.
Trước tình trạng lây nhiễm gia tăng nhanh chóng ở vùng thủ đô Ille-de-France, Chính phủ Pháp đã phải nhanh chóng xây dựng phương án cách ly cho những người vô gia cư. Một trong hai trung tâm cách ly đầu tiên sẽ được mở tại Paris vào ngày 20-3 để tiếp nhận khoảng 150 người bị nhiễm trong tình trạng sức khỏe ổn định. Đây là một vấn đề rất nan giải đối với chính quyền Paris vì hiện có rất nhiều người vô gia cư và tỵ nạn còn hiện diện ở các quận thuộc phía bắc và một số thành phố chung quanh thủ đô. Tình trạng này có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch ổ dịch vì đây là những người không có điều kiện khám, chữa bệnh.
Cho tới nay đã có 18 nghị sĩ Pháp bị nhiễm virus corona. Dù vậy Quốc hội vẫn phải tiếp tục làm việc để xem xét dự luật "Tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ" vừa được trình lên Hội đồng Bộ trưởng. Dự luật gồm ba phần: bầu cử địa phương vòng 2, đã bị hoãn lại do bệnh dịch; tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp cần thiết để khổng chế bệnh dịch để bảo vệ sức khỏe cho người dân; và triển khai các biện pháp kinh tế-xã hội ứng phó cuộc khủng hoảng bệnh dịch Covid-19.
Bệnh dịch chưa có dấu hiệu suy giảm ở các nước Tây Âu
Số tử vong do virus corona ở châu Âu hiện đã vượt quá châu Á. Tính tới tối ngày 18-3, châu Âu ghi nhận hơn 4.100 người chết, so với gần 3.400 ở châu Á. Bốn nước Tây Âu gồm Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp vẫn đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh rất nghiêm trọng.
Italy vẫn là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 4.027 ca nhiễm mới và tới 475 người tử vong chỉ sau một ngày, mức cao nhất kể từ khi xảy ra bệnh dịch. Tốc độ lây lan ở nước này vẫn rất khủng khiếp và chưa có dấu hiệu chững lại. Hiện đã có tới 35.713 người nhiễm và 2.978 người tử vong. Các chuyên gia y tế của Italy cho rằng hiện vẫn chưa thể biết được khi nào tới đỉnh dịch. Chính quyền vùng Lombardy ở phía bắc, là ổ dịch lớn nhất ở Italy, cho biết các bệnh viện tại đây sắp có nguy cơ không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân. Chính phủ cảnh báo về việc áp dụng thêm các biện pháp cách ly nghiêm ngặt hơn, kể cả việc cấm mọi người ra khỏi nhà dù là đi tập thể dục.
Tiếp đó là Đức, có thêm 2.606 ca mới và 90 người chết. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình kể từ khi xảy ra bệnh dịch Covid ở nước này, kêu gọi người dân thực hiện triệt để biện pháp cách ly tại nhà. Thủ tướng Đức nhấn mạnh: Tình hình rất nghiêm trọng. Kể từ khi nước Đức thống nhất và thậm chí là từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, chưa bao giờ nước Đức phải đối mặt với thách thức như vậy.
Trước đó, Đức đã nỗ lực giảm áp lực cho các bệnh viện bằng cách trưng dụng các khách sạn, trung tâm phục hồi chức năng và hội trường công cộng làm nơi điều trị cho những người nhiễm có triệu chứng nhẹ. Biện pháp này tạo điều kiện cho các bệnh viện tập trung cứu chữa các trường hợp nghiêm trọng.
Số người nhiễm mới ở Tây Ban Nha, nước bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai ở châu Âu, cũng tăng rất nhiều, với 2.084 ca mới và thêm 90 người tử vong. Tổng số ca nhiễm ở nước này đã lên tới 13.910 và 623 người chết. Số liệu này cho thấy tình hình dịch bệnh ở Tây Ban Nha vẫn rất đáng lo ngại vì mức độ lây nhiễm tiếp tục gia tăng ở mức cao. Vì vậy Thủ tướng Pedro Sanchez đã cảnh báo rằng dịch bệnh ở nước này vẫn chưa đạt đỉnh và còn diễn biến khó lường.
Do có thêm 194 ca nhiễm mới và một ca tử vong, nâng tổng lên 642 và 2 người chết, tối 18-3, Chính phủ Bồ Đào Nha phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Theo đó Chính phủ sẽ hạn chế người dân di chuyển nhằm kiềm chế sự lây lan của bệnh dịch. Các biện pháp cụ thể dự kiến sẽ được công bố trong ngày hôm nay sau cuộc họp Nội các.
VietBF@ sưu tầm.