Nhà chức trách Trung Quốc đưa hơn 100.000 con vịt tới khu vực Tân Cương, giáp ranh với Pakistan và Ấn Độ, để đối phó với đại dịch châu chấu.
Theo Express, trước đó chính quyền Pakistan ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia bởi châu chấu phá hoại mùa màng, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực. Thủ tướng Pakistan Imran Khan mô tả đây là "dịch châu chấu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ".
Ngày 20/2, trang Twitter của đài truyền hình Trung Quốc CGTN (trực thuộc đài truyền hình quốc gia CCTV) đăng tải đoạn clip 100.000 con vịt được nhà chức trách Trung Quốc đưa đến khu vực Tân Cương để diệt châu chấu.
100.000 con vịt đã được thả ra để đối phó với nạn châu chấu tại Trung Quốc. Ảnh: CGTN Twitter.
Đoạn video hơn 15 giây nhanh chóng thu hút được gần 500.000 lượt xem. Một người dùng Twitter mô tả đàn vịt trông giống như "một đội quân đồng minh". Một người khác bình luận: “Ý tưởng này thật tuyệt vời, hãy quay một đoạn video dài hơn. Tôi muốn nhìn đàn vịt này xử lý dịch châu chấu”.
Năm 2018, một tập đoàn ở Tân Cương cũng từng dùng gà và vịt để đối phó với nạn châu chấu. Một con vịt có thể "kiểm soát" 4 m2 đất và ăn châu chấu. Đây được xem là một giải pháp diệt châu chấu thân thiện với môi trường.
Báo Global Times dẫn lời một người dân địa phương ở Tân Cương cho biết các dịch châu chấu thường xảy ra tại đây vào cuối mùa hè và mùa thu trong những vùng đất cỏ.
Năm 2017, dịch châu chấu xảy ra ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp địa phương. Nhà chức trách Sơn Đông đã phải sử dụng trực thăng và máy bay không người lái để kiểm soát tình hình. Sản xuất nông nghiệp tại một số vùng giảm 20-30%.
Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng dịch châu chấu có thể đe dọa nghiêm trọng ngành nông nghiệp ở các nước châu Phi như Ethiopia và Kenya... dẫn tới những khủng hoảng nhân đạo trên diện rộng.
VietBF © sưu tầm