Ba thực tập sinh Việt kiện công ty Nhật. Họ đã cáo buộc công ty xây dựng Hiwada Co lừa họ làm công việc tẩy xạ liên quan tới thảm họa hạt nhân ở Fukushima. Trước đây cũng có thông tin như vậy nhưng phía Nhật đã bác bỏ.
Đơn kiện được viết ngày 3/9 và nộp lên một chi nhánh tòa án tỉnh Fukushima, yêu cầu công ty Hiwada Co, ở thành phố Koriyama, phải bồi thường thiệt hại cho họ tổng cộng 12,3 triệu yen (gần 120.000 USD).
Các công nhân tẩy xạ và dọn rác nhiễm xạ ở một cánh rừng tại tỉnh Fukushima, Nhật Bản năm 2015. Ảnh: Greenpeace Japan
Theo Công đoàn Lao động Zentouitsu ở Tokyo, Hiwada đã yêu cầu ba nam thực tập sinh người Việt trên làm công việc tẩy xạ tại các thành phố Koriyma và Motomiya từ năm 2016 đến 2018. Nhóm người Việt này đến Nhật Bản từ tháng 7/2015 và cũng phải làm công việc liên quan đến đường ống ở thị trấn Namie dù lệnh di tản sau thảm họa hạt nhân do động đất, sóng thần năm 2011 vẫn còn hiệu lực.
Trong khi đó, hợp đồng với Hiwada chỉ viết rằng công việc của họ là gia cố thép và ván khuôn. Công ty không hề giải thích chi tiết và cũng không tổ chức đào tạo đầy đủ cho họ về công việc tẩy xạ.
"Chúng tôi không được khuyến cáo rằng đây là công việc nguy hiểm. Tôi rất lo lắng về sức khỏe của mình sau này", một thực tập sinh 36 tuổi cho hay.
Đây là bê bối mới nhất trong hàng loạt trường hợp sai phạm theo Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ thuật (TITP) của chính phủ Nhật Bản. Hồi tháng 3 năm ngoái, một thực tập sinh Việt Nam từng tố cáo công ty xây dựng ở tỉnh Iwate đã lừa anh này hàng chục lần đến khu vực dân cư tại thành phố Koriyama để làm công việc tẩy xạ.
Sau khi sự việc bị phanh phui, Bộ Tư pháp cùng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã ra thông cáo tuyên bố rằng công việc tẩy xạ không phù hợp với mục đích của chương trình TITP. Theo giới chức, các thực tập sinh nước ngoài đến Nhật là để học kỹ năng nghề nhưng công việc tẩy xạ không phải là một nghề phổ biến ở đây. Giới chức Nhật Bản cho hay sẽ yêu cầu các công ty phải cam kết không thuê lao động nước ngoài làm công việc tẩy xạ.
Chương trình TITP được mở ra từ năm 1993 để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động do già hóa dân số và tỉ lệ sinh thấp ở Nhật Bản. Trong khuôn khổ TITP, các công ty hoặc tổ chức Nhật Bản mời lao động nước ngoài sang nước này làm việc với tư cách là thực tập sinh muốn nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chương trình này để bóc lột người lao động.
Theo thống kê, năm 2016 có 70,6% doanh nghiệp thuê thực tập sinh nước ngoài vi phạm luật lao động, bao gồm bắt công nhân làm quá số giờ quy định, không trang bị bảo hộ lao động hoặc trả lương rẻ mạt.
VietBF@ sưu tầm.