Thâm Quyến được Trung Quốc kỳ vọng trở thành một đầu tàu dẫn dắt sự phát triển kinh tế của Trung Quốc để các thành phố, kể cả Hong Kong, noi theo.
Tòa nhà chính của Huawei tại khu sản xuất gần thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Khi Ủy ban Trung ương Cải cách Toàn diện và Sâu rộng, cơ quan hàng đầu chịu trách nhiệm giám sát cải cách hành chính và kinh tế ở Trung Quốc, tuần trước thông qua quyết định trao cho Thâm Quyến vị thế đặc biệt để tiến hành các biện pháp cải cách táo bạo hơn như là hình mẫu cho các thành phố khác noi theo, động thái này không thu hút được nhiều sự chú ý từ quốc tế.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua cũng chỉ đăng một bản tin vắn tắt nhấn mạnh vị thế đặc biệt được trao cho Thâm Quyến nhằm thúc đẩy hơn nữa "chiến lược phát triển tập trung vào đổi mới" và biến Thâm Quyến thành "khu vực thí điểm xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc".
Dù thông tin về kế hoạch trên còn ít ỏi, giới phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự chuyển dịch trong chiến lược phát triển kinh tế tương lai của Bắc Kinh, tập trung đầu tư vào những thành phố trọng điểm để làm động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của cả khu vực. Đây được coi là mô hình đầy tham vọng nhằm thay thế cho mô hình Hong Kong, vốn là trung tâm tài chính hàng đầu khu vực.
Zhang Yansheng, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, nhận định Bắc Kinh muốn thử nghiệm sự pha trộn giữa đổi mới và xã hội chủ nghĩa. "40 năm qua, quá trình mở cửa và cải cách của Trung Quốc hướng đến sự tương thích giữa xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường. Giờ đây, khu vực thí điểm Thâm Quyến hướng tới sự tương thích giữa xã hội chủ nghĩa với công nghệ và phát triển đổi mới", Zhang nói.
Theo ông, 40 năm qua, Thâm Quyến đã rất thành công trong nỗ lực phát triển kinh tế nên chính quyền Trung Quốc kỳ vọng 40 năm tới, Thâm Quyến sẽ trở thành thành phố tiên phong trong hiện đại hóa để làm hình mẫu cho cả nước.
Li Xiaobing, phó giáo sư luật tại Đại học Nankai ở Thiên Tân, cho rằng Trung Quốc cần có những phương thức mới để thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là trong cuộc cạnh tranh với Mỹ. Thâm Quyến 40 năm qua đã chứng minh được khả năng chuyển mình mạnh mẽ, vậy nên chính quyền Trung Quốc muốn thành phố này có những ý tưởng chính sách mới mà về sau có thể được nhân rộng ở các địa phương khác.
"Thâm Quyến phải có những sáng tạo và thử nghiệm của riêng mình. Chính quyền trung ương sẵn sàng cho họ không gian để thử nghiệm những chính sách mới và muốn họ đảm nhận vai trò thành phố kiểu mẫu. Một khi bạn trở thành người tiên phong, chính quyền trung ương chắc chắn sẽ hỗ trợ và ủng hộ", ông nói.
Peng Peng, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Quảng Châu, cho rằng với vị thế đặc biệt, Thâm Quyến sẽ nhận được sự khích lệ từ Bắc Kinh trong nỗ lực đưa cải cách công nghiệp lên tầm cao mới. "Thâm Quyến nên trở thành một đô thị cách tân mang ảnh hưởng toàn cầu", Peng cho hay.
Thâm Quyến là bài kiểm tra đầu tiên cho công cuộc cải cách thị trường mà cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đưa ra từ 40 năm trước.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang nổ ra chiến tranh thương mại với Mỹ, Bắc Kinh đặt cược vào ngành công nghệ cao để thúc đẩy phát triển và giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu các công nghệ chính. Trước lời đe dọa từ Mỹ ngừng bán vi mạch cho các công ty Trung Quốc như ZTE và các biện pháp trừng phạt áp đặt lên tập đoàn viễn thông Huawei, Chủ tịch Tập Cận Bình đã liên tục kêu gọi ngành công nghiệp đổi mới và tự chủ hơn.
Hồi tháng hai, Bắc Kinh công bố chi tiết về kế hoạch tham vọng Greater Area Bay, biến Hong Kong và 10 thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông thành một khu kinh tế tập trung, với Hong Kong, Macau, Thâm Quyến và Quảng Châu được xác định là 4 "trụ cột" phát triển.
Kế hoạch chi tiết liệt kê những lợi thế của tất cả 4 trụ cột, đồng thời trấn an Hong Kong rằng đặc khu này sẽ tiếp tục đóng vai trò là trung tâm tài chính hàng đầu.
Li đánh giá Hong Kong hiện vẫn được tự do phát triển nhưng chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ không chờ đợi nếu tình trạng hỗn loạn tại đặc khu vẫn tiếp diễn.
"Hong Kong có lợi thế của họ. Với kế hoạch cho Greater Bay Area, chúng tôi muốn nhìn thấy những lợi thế của Hong Kong được tăng cường và phát triển đầy đủ. Tuy nhiên, nếu Hong Kong vẫn mắc kẹt trong hỗn loạn và trật tự xã hội không được lập lại, mục tiêu đó sẽ không thể đạt được", Li nói, đề cập tới các cuộc biểu tình tại Hong Kong phản đối luật dẫn độ sang Trung Quốc kéo dài suốt nhiều tuần qua.
"Cuộc cạnh tranh trên thị trường thế giới rất tàn khốc và sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc chưa dừng lại. Chúng ta cần những biện pháp mới để phát triển... Thâm Quyến đã hoạt động 40 năm qua và bạn không thể yêu cầu nó dừng lại. Nó phải đi xa hơn và thay đổi ngay từ bây giờ", Li nói.
Năm 2018, kinh tế Thâm Quyến lần đầu tiên vượt mặt Hong Kong. Trong khi tăng trưởng kinh tế của Hong Kong chỉ đi lên 3%, đạt mức 363 tỷ USD, GDP của Thâm Quyến năm ngoái tăng 7,6%, đạt mức 366 tỷ USD.
Bình luận viên Peter Kammerer của SCMP dự đoán rằng Thâm Quyến sẽ trở thành "hình mẫu" cho Hong Kong vào năm 2037, khi thành phố đại lục này phát triển mạnh mẽ, trong khi đặc khu hành chính ngày một đi vào khuôn khổ hơn trong các chính sách của Bắc Kinh.
Zhong Wei, giáo sư kinh tế tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, tuần trước phát biểu tại một diễn đàn rằng Greater Bay Area sẽ trở thành khu vực kinh tế triển vọng nhất Trung Quốc và các thành phố đại lục sẽ dẫn đầu xu thế. "Đừng nghĩ quá nhiều về Hong Kong hay Macau, Quảng Đông sẽ dẫn dắt tương lai", Zhong tuyên bố, đồng thời khẳng định Thâm Quyến và Quảng Châu sẽ bỏ xa Hong Kong.
VietBF © sưu tầm