Ngày 23/4, 37 tử tù phạm tội khủng bố bị hành quyết bằng cách chặt đầu theo sắc lệnh hoàng gia Arab Saudi. Tuy nhiên cách hành quyết này bị Tổ chức Ân xá Quốc tế lên án.
Phạm nhân quỳ trên một tấm thảm trải dưới đất trước khi bị chặt đầu trong một vụ hành quyết ở Arab Saudi. Ảnh: PressTV.
Arab Saudi hôm 23/4 tử hình bằng cách chặt đầu 37 người bị kết án tham gia hoạt động khủng bố tại nhiều khu vực của đất nước. Các vụ hành hình được Vua Salman phê chuẩn bằng một sắc lệnh hoàng gia.
Bộ trưởng Nội vụ Arab Saudi nói rằng những tử tù bị hành quyết này đã tiếp nhận tư tưởng cực đoan và gây dựng các ổ nhóm khủng bố. Họ bị kết tội theo luật pháp và bị Tòa Hình sự chuyên trách ở thủ đô Riyadh và tòa án tối cao Arab Saudi ra lệnh tử hình.
Hội đồng giáo sĩ tối cao của Arab Saudi cho biết các vụ hành quyết được thực hiện theo luật Hồi giáo. Thi thể của một người bị tử hình sau đó được đưa tới nơi công cộng để công chúng nhìn thấy.
Tổ chức Ân xá quốc tế lên án vụ hành quyết, gọi đây là "minh chứng rùng mình về sự coi thường mạng sống con người của chính quyền Arab Saudi", cáo buộc các phiên tòa kết án tử với họ "vi phạm tiêu chuẩn xét xử công bằng quốc tế".
Nhà bất đồng chính kiến Arab Saudi Ali Al-Ahmed khẳng định đây là vụ hành quyết hàng loạt người Hồi giáo Shiite lớn nhất trong lịch sử vương quốc. Ông cho biết có 34 người Shiite trong số những người bị hành hình.
Người Hồi giáo chia thành hai nhánh chính là dòng Sunni và Shiite (hay còn gọi là Shia). Sự chia rẽ này bắt nguồn từ bất đồng liên quan đến việc quyết định ai sẽ là người lãnh đạo cộng đồng người Hồi giáo sau khi Nhà tiên tri Mohammed, người sáng lập tôn giáo này, qua đời năm 632.
Người Sunni phụ thuộc rất nhiều vào thực hiện theo các bài giảng của nhà tiên tri trong khi người Shiite tin các thủ lĩnh ayatollah của họ là hiện thân của Đấng tối cao trên mặt đất. Điều này dẫn đến việc người Sunni cáo buộc người Shiite tôn thờ dị giáo, còn người Shiite cho rằng chính chủ nghĩa giáo điều Sunni đã làm hình thành các giáo phái cực đoan.