Cuộc bầu cử tổng thống Nga là cơ hội để ông Putin khẳng định quyền lực, cũng như phát thông điệp đối đầu cứng rắn với phương Tây.
"Ai sẽ giúp đảm bảo sự phát triển? Ai đảm bảo sự ổn định? Ai có thể đoàn kết đất nước? Và bạn đặt niềm tin vào ai?", người dẫn chương trình đặt câu hỏi trong video phát trên truyền hình nhà nước Nga trước thềm cuộc bầu cử tổng thống.
"Chỉ có ông ấy", câu trả lời vang lên trong lúc hình ảnh Tổng thống Vladimir Putin xuất hiện trên màn hình, cho thấy ông đang làm việc trong văn phòng, được đám đông chào đón hay bước trên thảm đỏ để gặp gỡ các lãnh đạo châu Á và Arab.
Thông điệp đó đã được truyền tải xuyên suốt những tháng qua, rằng ông Putin chính là người duy nhất có thể giúp đoàn kết và chèo lái nước Nga chống lại những hành động thù địch từ phương Tây.
Hồi tháng 2, thay vì đi vận động tranh cử hay tranh luận trên truyền hình, ông Putin tới thăm nhà máy quốc phòng và trèo lên buồng lái oanh tạc cơ Tu-160M có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Ông đã cùng phi hành đoàn thực hiện chuyến bay ngắn trên oanh tạc cơ chiến lược này.
Hình ảnh đó gợi nhớ đến việc ông Putin trèo vào buồng lái tiêm kích Su-27, cùng phi công bay qua vùng chiến sự thẳng tới thủ đô Grozny của Cộng hòa Chechnya hồi tháng 3/2000, gần một tuần trước khi bầu cử tổng thống Nga diễn ra. Hình ảnh một lãnh đạo cứng rắn trong chiến tranh Chechnya lần thứ hai khiến danh tiếng của Putin gia tăng, giúp ông giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 26/3/2000.
Trong Thông điệp Liên bang ngày 21/2, ông khoe về năng lực hạt nhân của Nga và cảnh báo về cuộc xung đột hạt nhân nếu các nước phương Tây đưa quân can thiệp trực tiếp vào chiến sự Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn với truyền hình Nga hôm 12/3, ông Putin lần nữa đề cập tới khả năng xảy ra đối đầu hạt nhân.
"Từ phương diện kỹ thuật quân sự, tất nhiên chúng tôi đã sẵn sàng. Lực lượng hạt nhân của chúng tôi luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu", ông nói.
Giới quan sát nhận định đối đầu với phương Tây và duy trì những giá trị truyền thống Nga là cách tiếp cận lâu dài mà ông Putin lựa chọn.
"Đối đầu địa chính trị quy mô lớn với phương Tây hiện là sức mạnh của Nga", Samuel Greene, thành viên của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu ở Washington, nói. "Những gì ông Putin cần là phương Tây là cùng tham gia trò chơi này. Ông ấy cần phương Tây hoài nghi về mọi thứ của Nga. Ông ấy cần phương Tây không chỉ chối bỏ ông ấy mà còn chối bỏ những người dân Nga bình thường".
Đây là lý do ông Putin rất coi trọng cuộc bầu cử tổng thống, dù gần như đã nắm chắc phần thắng, giới quan sát đánh giá. Cuộc bầu cử là cơ hội để ông Putin khuếch đại thông điệp của mình với phương Tây, đồng thời thể hiện vị thế vững chắc của mình trên chính trường Nga.
Đối thủ của ông Putin trong cuộc bầu cử là lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Nga Leonid Slutsky, nghị sĩ Vladislav Davankov và nghị sĩ Nikolay Kharitonov. Những người này đều có quan điểm ủng hộ Điện Kremlin và sự xuất hiện của họ trên phiếu bầu dường như càng củng cố vị thế của ông Putin.
"Điều Điện Kremlin quan tâm trước hết là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở mức cao", Nikolai Petrov, thành viên tổ chức nghiên cứu Chatham House ở Anh, cho hay. "Tỷ lệ này và số phiếu bầu cho ông Putin cần vượt qua con số năm 2018, để cho thấy sự ủng hộ của người dân dành cho ông trong thời chiến, giữa muôn trùng thách thức từ phương Tây".
Tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho ông Putin trong cuộc bỏ phiếu năm 2018 là 67,5%. Năm nay, lần đầu tiên Nga tổ chức bầu tổng thống trong ba ngày, thay vì một ngày như trước đây, nhằm tạo thêm cơ hội cho người dân đi bỏ phiếu.
Đây cũng là lần đầu người Nga có thể bỏ phiếu bầu tổng thống theo hình thức trực tuyến, biện pháp được ông Putin đánh giá là "rất tiện lợi". Hơn 94.000 điểm bỏ phiếu sẽ được mở trên khắp cả nước, kể cả ở 4 vùng Nga vừa sáp nhập từ Ukraine.
Ông Putin đã không tham gia bất kỳ hoạt động tranh cử nào như các đối thủ khác. Thay vào đó, ông thúc đẩy thông điệp thông qua các lịch trình làm việc hàng ngày của tổng thống, như cuộc gặp với các nhóm thanh niên và xây dựng chương trình phát triển với quan chức chính phủ.
Giới quan sát cho rằng ông Putin có lẽ cũng không cần những sự kiện vận động tranh cử. Trung tâm Levada, tổ chức thăm dò dư luận uy tín ở Nga, tháng trước cho biết khoảng 86% người dân tán thành công việc của ông Putin trong vai trò tổng thống. Tỷ lệ ủng hộ này đã tăng 6% so với cuộc thăm dò tương tự hồi tháng 9/2023 và luôn duy trì trên 80% kể từ đó.
75% người được hỏi cho rằng đất nước đang đi đúng hướng, cao hơn 13% so với tháng 9/2023, trong khi 15% phản đối. Khảo sát cũng chỉ ra 73% người dân ủng hộ hoạt động của chính phủ Nga và 21% không tán thành.
"Thông điệp của ông Putin về cơ bản là bất kỳ tương lai nào của đất nước cũng đều cần có ông ấy, khi cuộc đối đầu với phương Tây ngày càng căng thẳng", chuyên gia Greene nhấn mạnh.
|