119 tuổi, cụ Trịnh Thị Khơng đang cao hơn người nắm giữ Kỷ lục Guinness Thế giới 2 tuổi. Hiện, gia đình đang làm thủ tục để công nhận cụ Khơng là người thọ nhất thế giới.
Tính theo Kỷ lục Guinness Thế giới, cụ Trịnh Thị Khơng (sinh năm 1905, Đồng Nai) đang cao hơn cụ Maria Branyas Morera (sinh năm 1907, Pháp) - “Người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới còn sống" - 2 tuổi.
Hiện nay, chính quyền địa phương đang thực hiện các thủ tục liên quan để công nhận cụ Khơng là người cao tuổi nhất thế giới còn sống và ghi danh cụ vào Sách Kỷ lục Guinness Thế giới. Đây là một quy trình tốn nhiều thời gian lẫn tiền bạc.
Làm sao để ghi danh vào sách Kỷ lục Guinness Thế giới?
Sách Kỷ lục Guinness Thế giới ra đời vào năm 1955 tại Anh và được xuất bản bởi Hugh Beaver, giám đốc điều hành của hãng bia Guinness. Mục đích ban đầu của quyển sách là một ấn phẩm thuộc chiến dịch truyền thông của hãng bia thay vì sự nổi tiếng hay lợi nhuận. Tuy nhiên, khi vừa ra mắt, 70.000 bản đã được bán hết nhanh chóng.
Do quá nổi tiếng, nhà sản xuất quyết định phát hành mỗi năm một bản cập nhật, in vàng tháng 10 hàng năm, để ghi nhận những kỷ lục thế giới mới được thiết lập/bị phá vỡ trong một năm.Bản thân sách Kỷ lục Guinness Thế giới được chia thành các hạng mục rõ ràng với 27 lĩnh vực khác nhau như nghệ thuật, cơ thể người, khoa học, sức mạnh… Ngoài ra, Kỷ lục Guinness Thế giới còn phân loại các kỷ lục theo cá nhân, tổ chức hoặc một thương hiệu, sản phẩm đạt kỷ lục.
Do đó, để ghi nhanh vào cuốn sách nổi tiếng này, trước hết người đăng ký cần xác định hạng mục mà họ muốn ghi danh. Sau đó, truy cập vào trang chủ của sách Kỷ lục Guiness Thế giới và làm các thủ tục cần thiết.
Với trường hợp của cụ Trịnh Thị Khơng, người đăng ký sẽ chọn hạng mục: Cơ thể người, tiểu mục người phụ nữ sống thọ nhất. Người đăng ký sẽ được yêu cầu điền vào một mẫu đơn trực tuyến với các nội dung liên quan đến kỷ lục sống thọ nhất thế giới của cụ Khơng.
Sau đó, người đăng ký sẽ phải chờ hướng dẫn cụ thể tiếp theo từ Tổ chức Kỷ lục Guinness. Thời gian chờ để nhận được hướng dẫn sẽ kéo dài 12 tuần (có thể rút ngắn còn 5 ngày nếu người đăng ký chấp nhận trả khoản tiền 800-1000 USD phí ưu tiên). Có trường hợp tổ chức này yêu cầu người đăng ký mời một trọng tài đứng ra đảm bảo cho kỷ lục.
Ngoài ra, người đăng ký Kỷ lục Guinness Thế giới còn phải trả vài khoản tiền khác như phí thuê trọng tài, tổ chức sự kiện, phí ăn ở cho nhân viên đến xác minh kỷ lục, phí ghi danh vào sách kỷ lục…
Việt Nam từng có nhiều người "sống thọ nhất thế giới"
Trước cụ Trịnh Thị Khơng, Việt Nam còn có hai cụ bà Nguyễn Thị Trù (122 tuổi) và Nguyễn Thị Cơ (123 tuổi) là những người cao tuổi nhất thế giới.
Tuy nhiên, chỉ riêng cụ Nguyễn Thị Trù được Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận và ghi tên vào sách kỷ lục với danh hiệu “Người sống thọ nhất thế giới còn sống” vào năm 2015, lúc cụ 122 tuổi. Cụ Nguyễn Thị Cơ, dù đến nay đã 123 tuổi, lại không được công nhận.
Cụ Nguyễn Thị Cơ có căn cước công dân sinh năm 1901, và tính đến nay đã 123 tuổi. Dù vậy, cụ Cơ và gia đình vẫn không đăng ký Kỷ lục Guinness Thế giới vì không có căn cứ nào khác để xác định tuổi thọ của cụ Cơ trừ giấy tờ tùy thân.
Gia đình cũng không có nhu cầu sử dụng thiết bị kỹ thuật đo độ tuổi của xương để giám định số tuổi của cụ. Bởi lẽ, cuộc sống của gia đình cụ cơ vẫn bình yên dù tuổi của cụ có được xác định hay không, gia đình cụ cảm thấy “không cần thiết phải thực hiện giám định tuổi”.
Do đó, cụ Nguyễn Thị Cơ không được công nhận là “Người phụ nữ sống thọ nhất thế giới còn sống” vào năm 2023.
Đối với trường hợp cụ Trịnh Thị Khơng, để được công nhận là “Người phụ nữ sống thọ nhất thế giới còn sống”, có thể người đăng ký cho cụ phải cung cấp thêm nhiều thông tin khác ngoài giấy tờ tùy thân. Chẳng hạn như thông tin về nơi cụ sinh ra, những nơi cụ từng sống, người phối ngẫu và những sự kiện quan trọng mà cụ từng trải qua trong đời.
Mặt khác, có thể cụ Trịnh Thị Khơng phải làm việc với một vài nhà nghiên cứu về tuổi thọ của Tổ chức trước khi được công nhận là người sống thọ nhất thế giới còn sống.
|