"Ngày xửa ngày xưa 34" - series kịch nổi tiếng - bán hết 14.000 vé, sau tin Thành Lộc sắp rời Idecaf.
Ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc sân khấu - cho biết tối 4/5, khoảng 14.000 vé cho 23 suất diễn từ ngày 27/5 đến 25/6 được bán hết. Do lượng người truy cập quá đông - lên đến hàng trăm nghìn lượt, website bán vé có lúc bị nghẽn, treo hệ thống. Êkíp dự tính mở thêm 20-25 suất diễn vào tháng 7 để đáp ứng yêu cầu của người hâm mộ. Ở Ngày xửa ngày xưa số 33, chương trình bán được 13.000 vé đợt đầu.
Thông tin Ngày xửa ngày xưa công diễn trở lại nhận được sự quan tâm trên nhiều diễn đàn yêu kịch nói. Trước thời điểm bán vé, ở nhiều hội nhóm, các fan chia sẻ phương thức để "săn" vé, chẳng hạn vào website sớm 15 phút, nhấn F5 liên tục để đặt (do vé chỉ bán online). Mỗi tài khoản bị giới hạn số lượng mua, chỉ có thể chọn tối đa bốn vé thường hoặc hai vé VIP.
Nhiều khán giả tiếc nuối vì không thể chọn mua thành công do số lượng người tham gia đông. Đại diện sân khấu cảnh báo tình trạng lừa gạt khi bán lại vé, ví dụ một vé bán cho nhiều người cùng lúc, hoặc làm giả vé để lừa tiền đặt cọc.
Tác phẩm tăng sức "nóng" một phần do tin đồn đây là chương trình cuối cùng nghệ sĩ Thành Lộc tham gia ở Idecaf. Đầu tháng 5, mạng xã hội dấy lên thông tin Thành Lộc sắp rời Idecaf sau 26 năm gắn bó. Tuy nhiên, nghệ sĩ chưa xác nhận. Giám đốc sân khấu cũng cho biết chưa nhận được thông báo nào về quyết định này của Thành Lộc.
Chương trình số 34 diễn vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai (tác giả: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn), lấy cảm hứng từ Bầy chim thiên nga của Andersen. Ngoài Thành Lộc - gương mặt chính, vở còn có sự tham gia của các nghệ sĩ Hữu Châu, Lê Khánh, Bạch Long, Hoàng Trinh, Hương Giang, Mỹ Duyên, Đình Toàn, Quang Thảo. Tác phẩm cũng đánh dấu sự trở lại của nghệ sĩ Thanh Thủy sau nhiều năm rời Idecaf.
Ngày xửa ngày xưa là chương trình nhạc kịch thiếu nhi do sân khấu kịch Idecaf sản xuất từ năm 2000 đến nay. Loạt chương trình trở thành thương hiệu được trẻ em yêu thích hơn 20 năm qua. Trong mỗi câu chuyện cổ tích, các nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu, Mỹ Duyên, Đình Toàn, Hoàng Trinh gửi gắm những bài học đối nhân xử thế, qua các vở như: Tấm Cám, Nàng công chúa ngủ trong rừng, Aladdin và đủ thứ thần, Chuyện thần tiên xứ phù tang. Năm 2022, khi trở lại sau hai năm hoãn vì dịch, chương trình được hưởng ứng với tổng cộng 55 suất diễn - số lượng kỷ lục.
Thành Lộc sinh năm 1961 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật: Cha là Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn, mẹ là nghệ sĩ hát bội Huỳnh Mai, anh trai Bạch Long, chị gái Bạch Lê đều là những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Anh được biết đến qua loạt vở thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa cùng các kịch Dạ cổ hoài lang, Cậu đồng, Ngôi nhà không có đàn ông,Hợp đồng mãnh thú, Tấm Cám. Nghệ sĩ còn góp mặt trong các phim điện ảnh với vai nhỏ, như Mùi ngò gai, Chàng trai năm ấy, Tấm Cám chuyện chưa kể làm giám khảo Vietnam Got's Talent 2012.
|