11.500 người đình công và tương lai hỗn loạn của Hollywood. Trong bối cảnh nhân viên và hãng phim Hollywood đều gặp khó khăn về tài chính, cuộc đình công quy mô lớn diễn ra.
New York Times đưa tin khoảng 11.500 biên kịch thuộc Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) tiến hành đình công để chống lại các hãng phim, công ty giải trí lâu đời do không được tăng lương sau 15 năm.
The Guardian nhận định cuộc đình công sẽ khiến kinh đô điện ảnh lớn nhất thế giới rơi vào hỗn loạn, việc sản xuất nhiều chương trình truyền hình bị đình trệ, trì hoãn hoặc có khi phải hủy bỏ vì không có nhân lực làm việc.
"Họ đồng loạt ngừng làm việc vào chiều 2/5 (giờ địa phương) sau khi thất bại trong việc đàm phán với các hãng phim. Tại Los Angeles, thành viên của WGA bắt đầu biểu tình lúc 13h tại Amazon/Culver Studios, CBS Radford và CBS Television City, trụ sở Burbank của Disney, công ty của Netflix, các trường quay của Fox, Sony, Paramount, Warner Bros. và Universal", nguồn tin của The Independent cho biết.
Nguyên nhân
Trước khi "giọt nước tràn ly", ban lãnh đạo WGA gửi tới Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình (AMPTP) - tổ chức đại diện cho hơn 350 công ty sản xuất phim và truyền hình của Mỹ - tập tài liệu dài, nêu rõ những đề xuất thay đổi về tính chất công việc, phân chia nhân sự cũng như quyền lợi cho các nhà biên kịch.
Cụ thể, WGA yêu cầu có 6-12 biên kịch cho mỗi chương trình truyền hình, rút ngắn thời gian làm việc xuống 10-52 tuần/mùa. Thêm nữa, hiệp hội bày tỏ mong muốn tăng thời gian phát chương trình trên nền tảng trực tuyến để tối ưu lợi nhuận. Tuy nhiên, các đề nghị đều bị AMPTP từ chối.
Theo quy định hiện tại, lương tối thiểu của các nhân viên viết là 7.412 USD/tuần. WGA muốn tất cả nhân viên - từ cấp độ đồng sản xuất trở lên như nhà sản xuất, giám sát sản xuất, đồng điều hành sản xuất - đạt mức lương tối thiểu cao hơn 25% so với lương dành cho biên tập viên câu chuyện và biên tập viên điều hành câu chuyện (thành viên của đội ngũ biên kịch, có nhiệm vụ chỉnh sửa kịch bản, giới thiệu kịch bản và báo cáo công việc cho nhà sản xuất). Tuy nhiên, AMPTP chỉ chấp nhận mức lương tối thiểu tăng 2-7%.
Tuyên bố với phía WGA, AMPTP cũng nói họ chỉ sẵn sàng trả thêm 5% phí bảo hiểm so với ban đầu, không có chuyện nâng lên 25% như WGA đề nghị.
"WGA kêu gọi các hãng phim tuyển dụng một nửa số nhân viên viết kịch bản truyền hình xuyên suốt quá trình sản xuất, nhằm tạo cơ hội cho họ có thêm kinh nghiệm. Nhưng chắc chắn, AMPTP tiếp tục từ chối", Variety đưa tin.
Các thành viên WGA dự kiến biểu tình bên ngoài xưởng phim Hollywood. Ảnh: The Guardian.
Đề xuất duy nhất của WGA được AMPTP đồng ý xem xét và nghiên cứu là quy định về trí tuệ nhân tạo. Theo đó, WGA đề xuất cho phép người viết sử dụng ChatGPT và các công cụ AI khác để viết kịch bản điện ảnh và phim truyền hình, chỉ có điều tư liệu do AI tạo ra sẽ không được coi là "tư liệu văn học" (literary material) hoặc "tư liệu gốc" (source material).
Đối với mong muốn tăng giới hạn lương từ 400.000 USD lên 450.000 USD, AMPTP không thông qua, song tạm đồng ý cho phép các nhà biên kịch nhận thêm một khoản gọi là phí kịch bản, nếu thu nhập hiện tại không nằm trong mức trung bình.
Với lập trường gần như "bất di bất dịch", AMPTP bị WGA tố phản bội cam kết không được phá giá nghề viết lách. Hiệp hội Biên kịch Mỹ bức xúc khi những đề xuất quan trọng không được thông qua.
Trong tuyên bố ngày 1/5, ban lãnh đạo WGA nói với các thành viên của hiệp hội: "Hành vi của các công ty tạo ra nền kinh tế tạm bợ đối với lực lượng lao động trong công đoàn của chúng ta. Họ đã phá vỡ hoạt động kinh doanh trong ngành này và lấy đi quá nhiều của những người giúp họ trở nên giàu có. Nhưng họ không thể lấy đi của chúng ta tinh thần đoàn kết. Chúng ta phải tự cứu lấy mình và nghề nghiệp của mình thông qua đấu tranh. Vì lợi ích của hiện tại và tương lai, chúng ta không còn lựa chọn nào khác".
Hậu quả
Theo New York Times, làn sóng đình công dẫn đến sự đình trệ trong việc sản xuất phim, chương trình truyền hình. Việc này nếu kéo dài sẽ gây tổn hại nền kinh tế địa phương, đặc biệt đối với những người lao động hỗ trợ sản xuất, chẳng hạn tài xế, bộ phận phụ trách phục trang, nhà cung cấp thực phẩm, thợ mộc và công nhân xưởng gỗ.
Seth Meyers - MC của talk show Late Night with Seth Meyers chiếu trên NBC - ám chỉ sự tàn phá của vụ bãi công trong chia sẻ cuối tuần trước: "Không chỉ các nhà biên kịch mới bị ảnh hưởng. Tất cả nhân viên không hành nghề viết lách cũng trở nên khốn khổ không kém, nhất là khi chúng ta vẫn còn phải đối mặt với đại dịch Covid-19".
Với tư cách thành viên của WGA, Meyers cảm thấy những gì các nhà biên kịch đang yêu cầu "không phải vô lý". Anh nói thêm: "Nếu mọi người không nhìn thấy tôi dẫn chương trình vào tuần sau, hãy biết rằng tôi đang khó khăn. Tôi nhớ các bạn nhiều lắm".
Theo cập nhật của Varitety vào ngày 2/5, loạt chương trình Jimmy Kimmel Live (ABC), The Late Show (CBS), Tonight (NBC) đều đang bị gián đoạn và sẽ áp dụng hình thức chiếu lại. HBO cũng tạm ngừng sản xuất Real Time with Bill Maher và Last Week Tonight với John Oliver. The Daily Show (được dẫn dắt bởi một dàn diễn viên hài luân phiên) thuộc danh sách bị gián đoạn.
Seth Meyers là thành viên của Hiệp hội Biên kịch Mỹ. Ảnh: Rolling Stone.
Hiện, hàng loạt nhà biên kịch, biên tập viên... thi nhau lên tiếng vì bất bình trong việc trả lương. Họ tin rằng mình xứng đáng có thu nhập cao hơn.
Theo New York Times, số lượng chương trình truyền hình có kịch bản được phát sóng ở Mỹ tăng mạnh trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, các nhà biên kịch khẳng định tiền lương của họ vẫn "giậm chân tại chỗ".
"Trước đây, một biên kịch có thể sống ổn định cả năm nhờ chương trình dài hơn 20 tập mỗi mùa. Ở kỷ nguyên phát trực tuyến, đơn đặt hàng chương trình đã giảm xuống còn 8 hoặc 12 tập, đồng nghĩa lương trung bình hàng tuần của họ cũng giảm nhẹ", đại diện WGA nói.
Trong khi đó, giám đốc điều hành các hãng phim cho biết họ có những vấn đề riêng và đây không phải thời điểm thích hợp để tăng lương cho nhân viên. Trên thực tế, nhiều hãng phim, công ty giải trí đang gặp khó khăn tài chính.
CNBC cho hay tập đoàn giải trí nổi tiếng Walt Disney bắt đầu đợt sa thải thứ hai vào ngày 24/4, nâng tổng số việc làm bị cắt giảm trong những tuần gần đây lên 4.000. Warner Bros. Discovery tuyên bố đuổi việc hàng nghìn nhân viên giữa thời điểm phải gồng mình trả khoản nợ 50 tỷ USD. Các công ty khác áp dụng biện pháp tương tự để tiết kiệm chi phí.
Tóm lại, những thỏa thuận không đi đến thống nhất giữa Hiệp hội Biên kịch Mỹ và các hãng phim, công ty giải trí đã dẫn đến cuộc đình công quy mô lớn. Theo Variety, hiện không rõ cuộc đình công kéo dài bao lâu và khi nào các bên mới tiếp tục trở lại bàn thương lượng.
Đây là lần đòi ngừng làm việc gần nhất của WGA. Hồi tháng 11/2007, cuộc bãi công kéo dài 100 ngày của 12.000 nhà biên kịch gây thiệt hại cho nền kinh tế California hơn 2 tỷ USD. Cuộc đình công khác vào năm 1988 kéo dài 153 ngày và cuộc đình công năm 1985 kéo dài 14 ngày.
VietBF@ sưu tập