Vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai, các chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đồng loạt giảm điểm. Lo ngại về suy thoái đang tăng lên, trong khi cuộc chiến lạm phát vẫn còn dài.
Phố Wall chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch đầu tuần tại Mỹ. Trong phiên sáng 10/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 40 điểm, tương đương 0,12%, xuống 33.462,78 điểm.
Chỉ số S&P 500 lao dốc 26,6 điểm (tương đương giảm 0,65%) xuống 4.078 điểm. Còn chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ ghi nhận mức giảm mạnh nhất với 149,89 điểm (-1,23%), còn 11.938,7 điểm.
Các nhà đầu tư Mỹ đang chờ đợi một tuần bận rộn với những dữ liệu kinh tế mới, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất. Ảnh: Reuters.
Nguy cơ suy thoái gia tăng
Theo CNBC, Phố Wall đỏ lửa do lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng. Các nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng trước khi báo cáo lạm phát quan trọng được công bố trong tuần này.
Các thị trường chuẩn bị trải qua một tuần nhiều biến động. Giới đầu tư đã nhận ra những dấu hiệu của một thị trường lao động đang bước vào giai đoạn suy yếu.
Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ chỉ ra số lượng việc làm mới chỉ tăng 236.000 trong tháng 3, thấp hơn ước tính 238.000 việc làm của các nhà phân tích được Dow Jones khảo sát.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ vẫn phải tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5, vì dữ liệu dường như không cho thấy cơ quan này nên tạm dừng
Ông Jason Pride - Giám đốc đầu tư của Private Wealth tại Glenmede
Thị trường việc làm đã ghi nhận mức tăng trưởng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp là 3,5%, thấp hơn dự báo 3,6%.
Theo ông Jason Pride - Giám đốc đầu tư của Private Wealth tại Glenmede, các dữ liệu cho thấy một cuộc suy thoái đang thành hình từ từ ở Mỹ. Nhưng nó không nhanh chóng dập tắt những lo ngại về lạm phát.
"Do đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ vẫn phải tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5, vì dữ liệu dường như không cho thấy cơ quan này nên tạm dừng", ông nhận định.
Các nhà đầu tư Mỹ đang chờ đợi một tuần bận rộn với những dữ liệu kinh tế mới, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất - lần lượt được công bố vào thứ tư và thứ năm (giờ Mỹ). Các dữ liệu này sẽ là chìa khóa cho quyết định tiếp theo của Fed, tạm dừng hay tiếp tục tăng lãi suất.
Fed chưa thể dừng tăng lãi suất
Theo dữ liệu của CME Group, tính đến 21h15 ngày 10/4 (giờ Việt Nam), các thị trường đang đánh giá khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5 là 71%; khả năng giữ nguyên lãi suất chỉ 29%.
Theo ghi nhận của Zing vào cuối tuần trước, các thị trường đánh giá khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 5 lên tới 50,5%.
Như vậy, theo dự báo của giới quan sát, kết thúc cuộc họp sắp tới, khả năng cơ quan hoạch định chính sách của Fed nhất trí giữ lãi suất điều hành ở mức 4,75-5% là 29%, và đưa lên vùng 5-5,25% là 71%.
Để kìm hãm lạm phát, ngân hàng trung ương Mỹ buộc phải hạ nhiệt thị trường việc làm và tăng trưởng kinh tế thông qua các điều kiện tài chính thắt chặt. Và điều này giáng đòn mạnh lên giá vàng, chứng khoán và một số tài sản rủi ro, vốn rất nhạy cảm với lãi suất.
Trong họp báo sau cuộc họp chính sách tháng 3, ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed - phát tín hiệu rằng chu kỳ tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ có thể sắp kết thúc. Tuy nhiên, ông khẳng định cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa qua đi.
"Con đường đưa lạm phát trở lại mức 2% vẫn còn dài và gập ghềnh", lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ nhận định.
VietBF@ sưu tập
|