Nhiều người cho rằng, mật ong với bột sắn dây pha chung sẽ gây chết người. Điều này có đúng hay không?
Trong Đông y, cả bột sắn dây lẫn mật ong đều được coi là những vị thuốc có nhiều công dụng khác nhau. Nếu như mật ong thường được dùng cho các bài thuốc trị bệnh dạ dày, táo bón. Thì bột sắn dây cũng nổi tiếng với công dụng làm mát cơ thể, hạ hỏa, trừ nhiệt.
Tuy nhiên, mỗi khi nhắc đến việc kết hợp hai nguyên liệu này với nhau, nhiều người thường khá hoang mang bởi có lời đồn rằng pha mật ong cùng bột sắn dây sẽ tạo thành một "chất cực độc" gây sỏi thận, thậm chí là gây chết người.
Vậy lời đồn này có căn cứ không, và chúng ta nên tiêu thụ 2 thực phẩm này như thế nào? Hãy cùng lắng nghe lời giải đáp của các chuyên gia.
TS. TS. Bác sĩ Trần Thị Thu Vân, Phó khoa Nội tiết Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Giảng viên Bộ môn Nội Y học cổ truyền, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, nhận định trên VTC News, sắn dây và mật ong đều là vị thuốc và cũng là thực phẩm.
Sắn dây và mật ong đều là vị thuốc không nằm trong 18 vị thuốc tương phản và 19 vị thuốc tương úy. Tức là những cấm kỵ trong phối ngũ của thuốc y học cổ truyền. Nên nếu cùng dùng với nhau không sản sinh độc tính dẫn đến tử vong.
T.S Vân cũng cho biết thêm, từ xưa đến nay trên phương diện này, chưa có tài liệu nào chứng minh sự kết hợp này có thể gây tử vong.
Đồng quan điểm với T.S Vân, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẳng định trên Zing: “Uống sắn dây kết hợp cùng mật ong tạo chất độc chết người là không chính xác. Chúng ta vẫn có thể nấu chè bột sắn dây và thêm mật ong cho thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng. Nhưng điều kiện là mật ong phải đảm bảo an toàn về vệ sinh thực phẩm khi chế biến”.
Theo bà Lâm, các thực phẩm không kỵ nhau đến mức gây nguy hiểm cho sức khỏe. Chỉ có những thực phẩm có thể tác dụng hiệp đồng hoặc gây hạn chế tác dụng của nhau. Ví dụ, uống trà, cà phê đặc ngay sau bữa ăn có thể gây hạn chế hấp thu sắt. Nước, quả chín giàu vitamin C lại giúp tăng cường hấp thu sắt.
“Nếu bạn ăn các loại rau nhuận tràng cùng với hải sản như hàu, ngao - là những thực phẩm dễ nhiễm khuẩn - cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa. Với sắn dây, khi uống, cần lưu ý những người viêm đại tràng, rối loạn tiêu hóa không nên sử dụng vì chúng có thể gây nhuận tràng”, PGS Lâm lưu ý.
Ở góc độ Đông y, Trí Thức Trẻ dẫn lời lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) cho rằng: Mật ong và bột sắn dây đều có vị ngọt, tính bình. Hai nguyên liệu này đều có tác dụng thanh nhiệt, giải độc vì vậy sự kết hợp của chúng không hề gây ra phản ứng, nếu dùng vừa phải sẽ tốt cho cơ thể.
Chuyên gia khẳng định lời đồn "mật ong kết hợp sắn dây gây chết người" là vô căn cứ, không đáng tin.
"Mỗi loại thuốc, thực phẩm đều có thể khắc chế lẫn nhau, Y học cổ truyền cho đó là sự tương phản và có đề ra những cấm kỵ nếu dùng chung. Tuy nhiên, sắn dây và mật ong không nằm trong nhóm tương phản này nên không gây ảnh hưởng đến sức khỏe chứ đừng nói gì đến chuyện chết người", lương y Trung nói.
Ông Trung khẳng định, mật ong là chất bổ dưỡng tốt, có tác dụng chữa bệnh về đường ruột và trong mật ong có chất kháng khuẩn vì vậy sử dụng là vô hại, chứ không thể có hại. Hơn nữa, mật ong tính bình, sắn dây tính mát kết hợp với nhau cũng không gây ra phản ứng.
Mọi người có thể yên tâm sử dụng chung 2 nguyên liệu này nhưng cần đảm bảo về an toàn về vệ sinh thực phẩm khi chế biến.
Những lưu ý cần nhớ khi sử dụng mật ong và bột sắn dây
- Không dùng mật ong cùng lá hẹ vì mật ong có tác dụng nhuận tràng, trong khi đó hẹ giàu chất xơ nên nếu kết hợp với nhau rất dễ gây ra tiêu chảy.
- Mật ong đại kỵ hành tây. Nếu ăn kèm sẽ làm nảy sinh phản ứng hóa học có hại, hoặc sản sinh chất có độc, dễ khiến kích thích dạ dày, tiêu chảy hoặc ngộ độc.
- Phụ nữ mang thai dùng bột sắn dây cần thận trọng: Phụ nữ mang thai thường bị nóng, uống sắn dây rất tốt nhưng nếu thấy cơ thể bị lạnh, mệt mỏi, có biểu hiện hạ huyết áp thì không nên dùng vì sẽ khiến bạn mệt mỏi hơn.
- Sắn dây có tính hàn mạnh nên nếu cho trẻ em sử dụng tinh bột sắn dây ở dạng hòa nước uống, bé dễ bị lạnh bụng và có thể bị tiêu chảy. Chính vì vậy bạn nên nấu chín khi cho trẻ ăn.
- Theo Đông y, tào phớ vị ngọt, tính hàn, có thể thanh nhiệt tán huyết. Nhưng khi kết hợp cùng loại thực phẩm tính bình như mật ong có thể gây tiêu chảy...
- Việc kết hợp đậu phụ cùng mật ong sẽ gây ra những tác động tiêu cực với sức khỏe. Nguyên nhân là các khoáng chất, protein thực vật, axit hữu cơ trong đậu phụ nếu kết hợp với enzym trong mật ong sẽ xảy ra phản ứng sinh hóa, không tốt cho cơ thể.
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có chức năng tiêu hóa, chức năng thải độc gan chưa hoàn chỉnh vì vậy KHÔNG ĐƯỢC sử dụng mật ong, kẻo có thể bị ngộ độc, thậm chí tử vong nhanh.
- Sắn dây dễ kích thích nhu động ruột và gây tiêu chảy. Do đó, không nên uống khi bụng đói.
VietBF @ Sưu tầm