Những loại rau nhiều chất xơ, protein, nitrat, chỉ số đường huyết thấp mà người bệnh đái tháo đường nên chọn như cải bó xôi, cà rốt, rau diếp cá.
Bác sĩ Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh đái tháo đường không ăn uống kiêng khem quá mức, dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, khó khăn điều trị nhưng cũng không "thả ga" gây nguy hiểm. Người bệnh sống lạc quan, thay đổi chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng để vừa đảm bảo dinh dưỡng, đủ năng lượng vừa kiểm soát lượng đường huyết, cân nặng. Điều này còn có thể giúp người bệnh tránh nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu cao.
Trong kỳ nghỉ lễ kéo dài, người bệnh vẫn tiếp tục duy trì chế độ ăn nhiều rau củ để giúp kiểm soát đường huyết. Rau củ chứa nhiều chất xơ, tăng cường trao đổi chất, làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu nên ngăn cản tăng đường huyết đột ngột sau bữa ăn. Người bệnh nên ăn đa dạng các loại rau củ với nhiều màu sắc.
Những dưỡng chất tốt có trong rau
Dưới đây là những loại rau có hàm lượng các chất dinh dưỡng tốt cho người bệnh đái tháo đường.
Rau có hàm lượng nitrat cao
Bổ sung các loại rau giàu nitrat giúp người bị đái tháo đường cải thiện tình trạng cao huyết áp đột ngột và tăng cường sức khỏe tim mạch. Khi đi vào cơ thể, nitrat được chuyển hóa thành oxit nitric có tác dụng làm giãn động mạch. Lúc này, mạch máu giãn ra nên huyết áp giảm. Các loại rau chứa nhiều nitrat gồm rau diếp cá, rau cần tây, củ cải...
Rau giàu protein
Các loại rau chứa nhiều protein như các loại đậu, hạt bí đỏ, rau dền, đậu phụ... rất cần thiết trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường, nhất là người ăn chay. Những thực phẩm này giúp no lâu hơn, giảm cảm giác muốn ăn vặt giữa các bữa ăn, tránh làm đường huyết tăng cao.
Rau giàu chất xơ
Rau cung cấp nguồn chất xơ dồi dào, dù không mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng có nhiều lợi ích cho hệ tiêu hóa và kiểm soát đường huyết. Khi vào cơ thể, nhóm thực phẩm này có thể cản trở quá trình hấp thụ đường ở niêm mạc ruột, nhờ đó làm chậm quá trình tăng đường huyết sau ăn.
Ăn nhiều rau trong bữa ăn cũng giúp người bệnh nhanh no, từ đó, ăn ít hơn nên kiểm soát được đường huyết và cân nặng. Các loại rau đều giàu chất xơ nên ăn cùng với các loại thịt cá, vừa ngon miệng, vừa bổ sung đủ dinh dưỡng.
Cải bó xôi
Cải bó xôi (rau bina) là lựa chọn giàu dinh dưỡng, ít calo dành cho người bị đái tháo đường. Bên cạnh các vi chất vitmin A, C, D, E, K, loại rau này còn giàu sắt (thành phần quan trọng tạo ra máu). Cải bó xôi nấu canh tôm, thịt hoặc luộc, xào... là các món ăn hàng ngày ngon miệng.
Rau diếp cá
Rau diếp cá giàu chất xơ, vitamin B tốt cho người bệnh đái tháo đường. Ngoài rau diếp cá thì bạn có thể chọn húng lủi, ngò, xà lách, xà lách xoong, rau muống, cải bẹ xanh, rau mùi, kinh giới, rau đắng, rau tần ô (cải cúc), rau má, giá đỗ, húng, tía tô, húng quế... Nguồn vitamin B trong các loại rau này có tác dụng giảm mức độ homocysteine, một loại axit amin nếu tiêu thụ nhiều có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim.
Cà rốt
Bác sĩ Duy chia sẻ, cà rốt có vị ngọt nhẹ, chứa nhiều chất xơ được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người bệnh đái tháo đường nên ăn thường xuyên. Nếu đường trong các loại củ khác (như khoai lang) có thể đi vào máu nhanh chóng thì đường trong cà rốt lại di chuyển chậm hơn nên sau khi ăn, người bệnh vừa no vừa không bị tăng đường huyết đột ngột. Loại củ này cũng giàu vitamin A, tăng khả năng miễn dịch và giúp đôi mắt sáng khỏe. Hầm với thịt heo, xào, luộc... là những gợi ý chế biến món ăn đơn giản mà ngon miệng từ cà rốt.
Bắp cải
Bắp cải chứa nhiều vitamin C, có nhiều lợi ích đối với sức khỏe tim mạch. Loại rau này dồi dào chất xơ nên làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ đường vào máu. Thêm bắp cải vào bữa cơm hàng ngày có thể tránh tình trạng tăng đường huyết đột ngột. Tuy nhiên, bắp cải chứa nhiều iod nên không tốt cho người bị cường giáp, viêm giáp, bướu cổ... Do đó, người bệnh đái tháo đường mắc thêm bệnh cường giáp, viêm giáp, bướu cổ... không nên ăn nhiều bắp cải.