Bạn có thể đứng trước gương quan sát cổ khi ngửa ra sau, nuốt để tìm kiếm các cục u, sưng to do bướu cổ.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết để xác định một người bị bướu cổ (bệnh tuyến giáp) cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như: xét nghiệm sinh hóa đo nồng độ TSH (hormon kích thích tuyến giáp) và FT4 (nội tiết tố điều hòa tuyến giáp), siêu âm tuyến giáp, chụp CT, xạ hình tuyến giáp... Tuy nhiên, việc tự kiểm tra cổ tại nhà cũng góp phần phát hiện sớm nguy cơ bị bướu cổ.
Dưới đây là một số bước mà bạn có thể thực hiện để kiểm tra bướu cổ.
Bước 1: Bạn đứng trước gương quan sát cổ. Tháo bỏ tất cả những vật dụng quấn quanh cổ như khăn choàng, cà vạt, đồ trang sức hay áo cao cổ có thể gây cản trở tầm nhìn. Nếu sử dụng gương cầm tay, bạn hướng gương vào phần phía trước và dưới của cổ.
Bước 2: Nhẹ nhàng ngửa cổ ra sau, hơi hướng cằm về phía trần nhà để có thể kéo dài tầm nhìn của cổ.
Bước 3: Trong tư thế cổ hơi ngửa ra sau, bạn uống một ngụm nước nhỏ và nuốt xuống. Hành động này sẽ khiến khí quản di chuyển về phía trước, giúp bạn hình dung rõ hơn về hình dạng tuyến giáp và lộ rõ những bất thường nếu có. Tuyến giáp là một cơ quan nhỏ, hình bướm nằm ở phía trước cổ. Nó nằm ngay trên xương đòn và bên dưới thanh quản (hộp thoại) hay từ đốt sống cổ 5 đến đốt sống ngực một.
Bước 4: Khi nuốt, bạn tìm kiếm những dấu hiệu như sưng to, cục u, sự lồi ra hay bất cứ dấu hiệu bất thường khác. Nuốt một ngụm nước khác và quan sát các cấu trúc ở cổ vài lần. Bạn xem xét sự xuất hiện của những nốt tuyến giáp (nốt sần nhỏ có hình tròn). Bạn có thể cảm nhận một nhân giáp lăn dưới đầu ngón tay hoặc nhìn thấy nốt tuyến giáp di chuyển theo khi nuốt. Bướu cổ có thể được nhìn thấy ở một bên của tuyến giáp nhưng đôi khi có thể tìm thấy ở cả hai mặt.
Xem xét những bất thường ở cổ để sớm phát hiện bệnh nếu có. Ảnh: Shutterstock
Bước 5: Nhẹ nhàng sờ miết ngón tay vào khu vực xung quanh tuyến giáp để tìm kiếm hoặc cảm nhận sự sưng to, bướu hoặc lồi lõm. Nhận biết sự khác biệt giữa tuyến giáp và các cấu trúc khác của cổ bằng cách miết nhẹ ngón tay đi dọc từ phần dưới cằm xuống cổ. Cấu trúc cứng đầu tiên chạm phải chính là sụn tuyến giáp dẫn đến quả táo Adam. Tiếp tục miết xuống, bạn gặp một phần sụn khác là sụn nhẫn, khí quản, eo tuyến giáp (có chiều rộng bằng hai ngón tay, là mô nối hai bên của tuyến giáp). Các thùy tuyến giáp nằm ở hai bên tuyến giáp.
Bác sĩ Trâm chia sẻ thêm, tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn thứ hai của cơ thể sau tuyến tụy nằm phía trước dưới cổ, gồm hai thùy phải và trái. Trải dài từ vòng sụn thứ 5 của khí quản lên hai bên sụn giáp. Hai thùy nối với nhau bởi eo tuyến giáp. Eo tuyến giáp rộng một cm và cao gần 1,5 cm. Bình thường tuyến giáp có trọng lượng ước chừng 20-30 g, khi trọng lượng tăng trên 35 g thì gọi là bướu tuyến giáp (tuyến giáp to hơn so bình thường từ 20%).
Một số bệnh bướu cổ thường gặp và biểu hiện bệnh bao gồm:
Bướu giáp đơn thuần: Cổ to ra, cảm giác nghẹn ở cổ.
Cường giáp: Ăn khỏe, gầy sút cân nhanh; nóng bức, run tay, mắt lồi, rối loạn tiêu hóa, rối loạn kinh nguyệt...
Bướu giáp nhân: Xuất hiện một hoặc nhiều cục bất thường di chuyển theo nhịp nuốt; cảm giác nghẹn, tức ở cổ, nhất là khi nuốt; nhược giáp như mệt mỏi, đau cơ, táo bón, rụng tóc...
Tuy nhiên, những biểu hiện này cũng có thể đến từ những bệnh lý khác như hạch bạch huyết mở rộng, lymphoma, áp xe nhiễm trùng, chấn thương. Do đó, sau khi tự kiểm tra thấy bất thường ở cổ, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để được khám cận lâm sàng để biết chính xác bệnh.
VietBF©sưu tập