Bệnh tiểu đường khiến hơi thở có mùi trái cây, mùi chua, mùi nước tiểu do trào ngược axit dạ dày, chứng tăng ure huyết.
Hơi thở có mùi là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Hôi miệng có thể do vấn đề trong miệng, đường tiêu hóa hoặc quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Dưới đây là một số mùi hôi miệng phổ biến nhất và nguyên nhân gây ra.
Hơi thở có mùi ngọt hoặc mùi trái cây
Bệnh tiểu đường không được kiểm soát có thể dẫn đến tình trạng sức khỏe nguy hiểm là nhiễm toan ceton do tiểu đường. Một trong những triệu chứng phổ biến là hơi thở có mùi ngọt hoặc mùi trái cây.
Chế độ ăn ít carb và nhịn ăn đôi khi cũng có thể khiến hơi thở có mùi kim loại. Một số người khác nhận thấy nó có mùi ngọt. Chế độ ăn này khiến đốt cháy chất béo trong cơ thể để lấy nhiên liệu, dẫn đến giải phóng ceton trong hơi thở và nước tiểu. Sự tích tụ của ceton có thể làm thay đổi mùi của hơi thở.
Hơi thở có mùi thối hoặc mùi nồng nặc
Áp xe hoặc nhiễm trùng trong miệng, cổ họng hoặc phổi có thể khiến hơi thở có mùi như mô thối rữa. Ví dụ giãn phế quản khiến các ống phế quản dày lên và mở rộng, có thể dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp và chất nhầy dư thừa có mùi hôi nồng nặc. Các vấn đề về răng khi thay răng giả, thức ăn bị mắc kẹt, vi khuẩn phát triển có thể giống như mùi thối rữa.
Sức khỏe răng miệng kém dẫn đến sâu răng, vết loét, thương tổn, lỗ hổng. Những lỗ hở giống như vết thương này có thể khiến thức ăn bị mắc kẹt và phân hủy, gây ra mùi thối rữa. Nguyên nhân cũng có thể do bệnh nha chu không được điều trị, u hạt. U hạt là một rối loạn viêm hiếm gặp gây ra các vấn đề về mạch máu, thận và mũi.
Hơi thở có mùi như nước tẩy sơn móng tay
Chế độ ăn ít carb có thể khiến cơ thể đốt cháy chất béo dự trữ thay vì carbs và tạo ra một chất hóa học gọi là axeton. Axetone là hóa chất được tìm thấy trong nhiều loại nước tẩy sơn móng tay.
Hơi thở có mùi chua
Chất chứa trong dạ dày có thể trào ngược lên thực quản, cổ họng hoặc miệng. Nếu bạn bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD), hơi thở đôi khi có mùi chua, giống như thức ăn được tiêu hóa một phần.
Hơi thở có mùi như phân
Nếu có thứ gì đó cản trở dòng chất thải qua ruột, hơi thở có thể có mùi như phân. Khi bị tắc nghẽn, bạn có thể bị đầy hơi, nôn mửa, chuột rút, buồn nôn, táo bón. Nếu bạn gặp phải những triệu chứng này cần thăm khám bác sĩ sớm vì tắc ruột có thể đe dọa tính mạng.
Hơi thở có mùi nước tiểu
Hơi thở có mùi amoniac hoặc nước tiểu được gọi là chứng tăng ure huyết. Tình trạng này thường do thận bị tổn thương hoặc do chấn thương, bệnh tật. Nếu thận không thể thải đủ nitơ, các hóa chất tích tụ bên trong cơ thể, dẫn đến mùi amoniac.
Hơi thở có mùi mốc
Hơi thở của những người bệnh gan, bao gồm xơ gan sẽ có mùi mốc. Mùi này được tạo ra bởi các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi tích tụ trong cơ thể khi gan không hoạt động bình thường.
Hơi thở có mùi như siro cây phong
Không có khả năng chuyển hóa một số loại axit amin gây ra bệnh nước tiểu sirô cây phong. Trong đó, hơi thở hoặc nước tiểu của một người có mùi như sirô cây phong hoặc đường caramel. Bệnh này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, cần được chẩn đoán và điều trị sớm.
Hơi thở có mùi mồ hôi chân
Khi cơ thể không sản xuất đủ các loại enzym thích hợp để phân hủy các axit amin, hơi thở có thể có mùi đặc biệt. Isovaleric acidemia, một tình trạng di truyền ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, gây ra sự tích tụ leucine trong máu, dẫn đến mùi giống như mồ hôi chân.
Hơi thở có mùi tanh
Khi rối loạn enzym, cơ thể bạn không thể phân hủy hợp chất như trimethylamine. Tình trạng này có thể khiến hơi thở, mồ hôi và các chất dịch cơ thể khác có mùi tanh.
Hơi thở có mùi bắp cải luộc
Hypermethioninemia, một rối loạn di truyền, xảy ra khi cơ thể bạn không thể chuyển hóa axit amin methionine. Nó khiến hơi thở và nước tiểu của bạn có mùi của bắp cải luộc. Những người mắc chứng này thường không có bất kỳ triệu chứng nào khác ngoài chứng hôi miệng này.