Người bệnh trào ngược dạ dày uống nhiều sữa có thể bị giãn cơ thắt thực quản dưới, kích thích dạ dày tạo axit, ợ chua liên tục.
Ợ chua là triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày (dịch dạ dày trào ngược lên thực quản). Ngoài ợ chua, người bệnh trào ngược dạ dày dễ ho, hôi miệng, khó nuốt, tiêu hóa thức ăn. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí BMJ, khoảng 60 triệu người Mỹ bị ợ chua, ợ nóng ít nhất một lần mỗi tháng.
Người thường xuyên ăn cay, uống nhiều cà phê, béo phì, hút thuốc lá dễ bị trào ngược dạ dày. Nếu không điều trị kịp thời, dịch từ dạ dày trào lên thực quản liên tục gây tổn thương niêm mạc thực quản. Bệnh nhân trào ngược dạ dày có các triệu chứng như ho khan, ợ nóng, viêm họng, nôn, cảm giác thức ăn mắc vào cổ họng, đau, tức ngực...
Ợ chua có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ, tùy thuộc vào tình trạng trào ngược dạ dày của người bệnh. Nhiều người cho rằng sữa giúp giảm triệu chứng của trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sữa không phải là biện pháp chữa ợ chua dù sản phẩm này mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể.
Cụ thể, uống sữa hàng ngày giúp cơ thể người bình thường bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng gồm chất đạm, canxi, kali, magie, vitamin A, D. Với người bệnh trào ngược dạ dày, sữa không ngăn dịch vị dạ dày đi ngược lên thực quản. Nếu uống quá nhiều sữa, lượng chất béo cao trong sản phẩm này kích thích dạ dày sản xuất axit, tạo điều kiện bùng phát các đợt ợ chua, khó hấp thụ thức ăn.
Người bệnh trào ngược dạ dày không nên uống nhiều sữa. Ảnh: Freepik
Các nhà nghiên cứu nhận định sữa nhiều chất béo có thể khiến triệu chứng trào ngược dạ dày nặng hơn. Cụ thể, khi hấp thụ chất béo, cơ thể mất nhiều thời gian để tiêu hóa, làm chậm quá trình dạ dày tiêu hóa thức ăn, giãn cơ thắt thực quản dưới. Lúc này, khả năng đào thải của dạ dày bị ảnh hưởng, hoạt động tốc độ chậm, gây ợ nóng.
Bệnh nhân không nên uống sữa chữa trào ngược dạ dày. Người bệnh nên thay đổi lối sống, bỏ hút thuốc lá, ăn uống đủ dưỡng chất, có thể dùng các loại thảo mộc như gừng, hoa, cúc, nước ép lô hội, cam thảo hỗ trợ tiêu hóa. Baking soda, giấm táo pha với nước giúp trung hòa axit trong dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa. Ăn kẹo cao su không đường giúp tiết nước bọt có thể mang làm dịu, giảm lượng axit trong dạ dày.
Chuối có nhiều kali, tính kiềm là loại hoa quả tốt giúp giảm lượng axit trong dạ dày, ngăn dịch vị trào ngược lên thực quản. Sau mỗi bữa ăn không nên nằm ngay hoặc mặc quần áo quá chật. Các tác động từ bên ngoài vào bụng hoặc cản trở trọng lực giữ thức ăn, axit trong dạ dày khiến người bệnh ợ chua liên tục. Dưới đây là một số cách phòng ợ chua có thể thực hiện tại nhà.
Ăn nhiều rau, củ, quả: là biện pháp tránh ợ chua bằng bổ sung chất xơ từ các loại rau, củ quả. Chế độ ăn nhiều rau giúp hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh, tránh táo bón.
Hạn chế thực phẩm tạo axit dạ dày: cà phê, chocolate, cam, quýt, hành tây, thịt mỡ... tạo nhiều dịch vị trong dạ dày, gây ợ chua, ợ nóng.
Chia nhỏ bữa ăn: người bệnh trào ngược dạ dày nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày giúp dạ dày hoạt động hiệu quả, tránh quá tải. Ăn chậm, cắt thức ăn thành miếng nhỏ cũng khắc phục triệu chứng ợ chua.
Giảm béo: mỡ bụng ở người béo phì có thể chèn ép vào dạ dày, đẩy axit lên thực quả. Người bệnh cần tập thể dục thường xuyên, vận động cơ thể, tránh béo bụng, mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.