Trẻ vị thành niên có thể bị đau nửa đầu, đau đầu do căng thẳng hoặc đau đầu từng cụm với các biểu hiện khác nhau.
Chứng đau đầu phổ biến ở trẻ em, có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn ở giai đoạn vị thành niên. Có nhiều lý do khiến trẻ bị đau đầu, bao gồm: căng thẳng, lo lắng, trầm cảm; mất nước; thiếu dinh dưỡng; thiếu ngủ; căng cơ đầu và cổ; thay đổi hormone; chu kỳ kinh nguyệt; khuynh hướng di truyền; tác dụng phụ của một số loại thuốc. Mặt khác, nguyên nhân đau đầu thứ phát có thể do cúm, cảm lạnh; nhiễm trùng; chấn thương đầu, cổ; nang màng nhện; não úng thủy; rối loạn co giật; khối u.
Nếu trẻ thường xuyên bị đau đầu, cha mẹ nên theo dõi các triệu chứng để có thể trao đổi với bác sĩ. Dưới đây là một số loại đau đầu điển hình ở trẻ.
Đau đầu thường phổ biến ở trẻ vị thành niên. Ảnh: Freepik
Đau nửa đầu
Cơn đau do chứng đau nửa đầu có thể kéo dài 4-72 tiếng. Một số trẻ em có thể trải qua hiện tượng thoáng qua (aura) trước khi cơn đau nửa đầu xuất hiện. Aura có thể gây các rối loạn thị lực, cảm giác và ngôn ngữ ở trẻ. Các triệu chứng khác của cơn đau nửa đầu bao gồm: đau ở một bên đầu, đau nhói, nhạy cảm với tiếng ồn, nhạy cảm với ánh sáng, chóng mặt, buồn nôn, ói mửa.
Các chuyên gia lưu ý trẻ em có thể gặp phải các dạng đau nửa đầu khác nhau. Chẳng hạn, chứng đau nửa vùng bụng, là tình trạng đau một nửa vùng bụng, đồng thời gây đau nửa đầu, có thể không biểu hiện như đau đầu, trẻ có thể kêu đau bụng hoặc chán ăn.
Đau nửa đầu kiểu cơ bản là một dạng đau nửa đầu khác chủ yếu ảnh hưởng đến các bé gái vị thành niên vào khoảng thời gian có kinh. Các triệu chứng có thể xảy ra như: thay đổi thị lực, thay đổi thăng bằng, chóng mặt, nói lắp, ù tai, nhưng không nhất thiết bị đau đầu.
Đau đầu căng thẳng
Cơn đau đầu do căng thẳng thường có mức độ từ nhẹ đến trung bình. Những cơn đau đầu này không liên quan đến di truyền hoặc nội tiết tố. Thay vào đó, chúng có xu hướng xuất hiện trong giai đoạn căng thẳng, lo lắng. Những cơn đau này có thể biến mất khi căng thẳng hoặc lo lắng giảm dần.
Các biểu hiện của cơn đau đầu căng thẳng có thể bao gồm: cơn đau quanh đầu; đau ở hai bên đầu; căng cơ mặt, cổ, hàm hoặc da đầu; nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng ồn; nghiến hàm, bỏ bữa, ngủ không đủ giấc. Đau đầu căng thẳng không có hiện tượng aura; không buồn nôn hoặc nôn mửa; không tiến triển xấu hơn khi vận động.
Đau đầu từng cụm
Đau đầu từng cụm là những cơn đau đầu có xu hướng trở nên tồi tệ chỉ sau 5-10 phút, kéo dài trong khoảng ba tiếng. Đau đầu từng cụm không phổ biến ở trẻ em. Tuổi khởi phát trung bình là 20-50 tuổi nhưng trẻ em vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi loại đau đầu này.
Các triệu chứng bao gồm: cơn đau xảy ra ở một số vùng nhất định của đầu; cơn đau xảy ra vào cùng thời điểm trong ngày hoặc đêm, kéo dài nhiều tuần; sưng hoặc đỏ mũi, mắt; đổ mồ hôi. Các biểu hiện khác có thể xảy ra như: hiện tượng aura, buồn nôn, đau một bên đầu, nhạy cảm với tiếng ồn hoặc ánh sáng.
Đau đầu từng cụm thường gặp ở nam hơn nữ, có thể liên quan đến chấn thương đầu từng xảy ra hoặc có tiền sử gia đình bị đau đầu từng cơn.