Người bệnh đái tháo đường cần tránh một số món ăn vặt dễ gây tăng đường huyết như snack, mứt me, kẹo dẻo, mè xửng, kem.
Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh khiến người bệnh dễ tăng lượng đường trong máu, tăng cân, có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu cao... Đồ ăn vặt cho người tiểu đường cần được kiểm soát chặt chẽ, nhất là thực phẩm nhiều tinh bột, đường, chất béo. Dưới đây là 5 món đồ ăn vặt người bệnh đái tháo đường nên tránh.
Snack
Snack (bim bim) được không ít người yêu thích do ngon, giòn, đa dạng hương vị. Thành phần chủ yếu của snack gồm: bột mì, bột bắp, dầu thực vật, khoai tây, các loại ngũ cốc, đậu phộng. Để tạo nên một gói snack không thể thiếu phụ gia như: muối, đường, hương nước tương, chất điều vị, chất tạo ngọt tự nhiên, chất chống vón, chất ổn định...
Thạc sĩ bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm - khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, snack được chế biến sẵn, không có giá trị dinh dưỡng cao, chỉ chứa nhiều chất béo, bột và nhiều muối. Snack được chiên ở nhiệt độ cao để làm giòn, thơm, vàng nên làm mất đi các chất dinh dưỡng. Khi chiên thực phẩm ở nhiệt độ cao, dầu mỡ sẽ sinh ra các chất không tốt cho sức khỏe. Chỉ số đường huyết (GI) snack bắp là 72 GI ( ở mức cao), snack khoai tây là 56 GI (mức trung bình).
"Người bình thường ăn snack nhiều có thể gây thừa cân, béo phì. Snack có nhiều muối, nếu ăn mỗi ngày có thể làm tăng đường huyết, tăng lượng cholesterol trong máu, thừa cân... nguy hiểm cho người bệnh đái tháo đường", bác sĩ Quỳnh Trâm nói.
Snack chứa muối, chất tạo ngọt... chỉ số đường huyết mức trung bình đến cao. Ảnh: Shutterstock
Me ngào đường
Me ngào đường được làm từ me chín bỏ vỏ, đường, ớt bột, muối tinh, bột nếp. Me ngào đường có vị chua nhẹ, ngọt và cay, dẻo dai. Tuy nhiên, me ngào đường dễ khiến người bệnh tăng đường huyết do có chứa nhiều đường. Me chín có chỉ số đường huyết là 64 GI, trong khi me được ngào thêm với đường, khiến chỉ số đường huyết tăng cao hơn. Tỷ lệ làm me ngào đường phổ biến là 500 g me sử dụng khoảng 650 g đường.
Kẹo dẻo
Kẹo dẻo có nhiều màu sắc hấp dẫn với nhiều hương thơm như: hương chanh, cam, dứa, mâm xôi, dâu... Thành phần chủ yếu của kẹo dẻo bao gồm: sirô glucose, đường, gelatin, đường dextrose (làm từ bắp), hương liệu nhân tạo...
Vì có vị chua ngọt, dai nên không ít người sử dụng kẹo dẻo làm đồ ăn vặt mỗi ngày. Kẹo dẻo có chứa rất nhiều đường dễ làm tăng đường huyết ở cả người bình thường và người đái tháo đường. Bác sĩ Quỳnh Trâm chia sẻ thêm, thành phần của kẹo có chứa đường dextrose, các nhà khoa học Mỹ cảnh báo dễ gây tăng cân, nổi mụn trứng cá và các vấn đề xấu về da, tăng nguy cơ tim mạch, tăng đường huyết nhanh chóng... Khi nạp quá nhiều đường dextrose vào cơ thể có thể gây ra các tác dụng phụ như: buồn nôn, thở dốc, tiêu chảy, nồng độ magie và phốt pho trong máu thấp, đường huyết cao, mất khả năng nhận thức... Vì vậy, người bệnh đái tháo đường không ăn kẹo dẻo.
Mè xửng
Kẹo mè xửng là món đặc sản nổi tiếng, được làm từ bột gạo, đường, đậu phộng, mè, mạch nha, vani. Kẹo thơm mùi mè, có vị ngọt nhẹ, béo, vỏ kẹo bao bọc lớp mè trắng dày giòn, lớp trong là mạch nha, đường và đậu phộng.
Trong kẹo mè xửng có mạch nha là một trong những thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao hơn 70. Ngoài mạch nha, nó còn có nhiều đường tinh, chỉ số đường huyết 64 GI. Món ăn này chứa rất nhiều đường, dễ gây tăng đường huyết, người bệnh đái tháo đường cần tránh.
Kem
Thành phần chính của kem gồm: sữa tươi, sữa bột nguyên kem, chất béo từ sữa, bơ, đường aspartame, đường dextrose mono, phụ gia điều vị, chất béo... Trong một khẩu phần kem vani 100 g có khoảng 6%-7% protein, 47% là chất béo (trong đó có 70% chất béo bão hòa hoặc chất béo không có lợi), khoảng 42% carbohydrate. Kem có chỉ số đường huyết (GI) ở mức trung bình là 52. Dù vậy, việc kem có chứa nhiều chất béo và đường dễ gây thừa cân, tăng đường huyết nhanh chóng. Kem không phải là món ăn vặt tốt cho người đái tháo đường.
Theo bác sĩ Quỳnh Trâm, thay vì chọn kem, snack, kẹo dẻo... người bệnh có thể chọn các món ăn vặt lành mạnh như trái cây ít ngọt (cỡ một phần nắm tay) như trái lê, táo, dâu, bơ, cam... Các loại sữa chua không béo không đường, các loại hạt rang không tẩm gia vị cũng có lợi hơn cho người bệnh.