Nghỉ hưu sớm là mong muốn của nhiều người nhưng nếu các khoản nợ vẫn còn, chưa có thói quen tiết kiệm... thì đây không phải thời điểm thích hợp.
Khảo sát của VnExpress từ 20-30/3 về thời điểm nghỉ hưu mong muốn đã thu hút gần 17.000 lượt tham gia. Kết quả cho thấy, gần 90% độc giả có nhu cầu rời khỏi lực lượng lao động trước tuổi theo luật định. Trong đó, 55% muốn nghỉ hưu từ năm 50 tuổi đến trước tuổi nghỉ hưu và 30% chọn khung 30-40 tuổi.
Nghỉ hưu sớm hay đúng tuổi phụ thuộc vào nhu cầu và hoàn cảnh mỗi cá nhân. Nhiều người mong muốn về hưu và sống an nhàn với đủ tiền tiết kiệm hoặc thu nhập từ lương hưu. Thế nhưng, mọi kế hoạch đều không khả thi khi bạn chưa đánh giá đúng và đủ về khả năng tài chính cũng như tâm lý của mình, để có thể chuẩn bị tốt nhất.
Vậy đâu là những dấu hiệu cho thấy bạn chưa thể nghỉ hưu? Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) để nhận biết.
Chưa trả hết nợ
Việc duy trì các khoản nợ kèm tiền lãi phải trả hằng tháng sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong lúc nghỉ hưu. Trước hết, mỗi người cần rà soát các khoản nợ đang có và tìm cách xử lý các khoản có lãi suất cao.
Việc trả hết nợ trước khi bắt đầu kế hoạch nghỉ hưu có thể tốn khá nhiều thời gian, nhưng đổi lại bạn sẽ thoát khỏi gánh nặng tài chính lớn. Các chuyên gia lưu ý, nợ có thể gây ảnh hưởng đến tài chính dài hạn của bất kỳ ai.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, bạn vẫn nên trích một phần nhỏ tiền để bỏ vào tài khoản hưu trí. Đây được xem như là bước đệm để hình thành thói quen cho kế hoạch tài chính về hưu.
Chưa định rõ chi tiêu trong tương lai
Bên cạnh giải quyết các khoản nợ, bạn cần xác định rõ các khoản tiêu xài có chi phí lớn. Đấy có thể là kế hoạch mua nhà, mua xe hay tiền cho con đi du học... Xác định rõ chi tiêu sẽ giúp bạn định hình được kế hoạch tài chính và kỹ luật hơn trong tiết kiệm, đầu tư. Nhờ đó, bạn sẽ không đau đầu giải quyết các khoản chi phí lớn lúc tuổi đã xế chiều.
Khi bạn nghỉ hưu, tiền lương sẽ ngừng đến, nhưng các hóa đơn vẫn tiếp tục gửi về trước cửa nhà. Do đó, chuyên gia khuyên mỗi người cần vạch ra dòng tiền hàng tháng của mình một cách chi tiết. So sánh các khoản chi lớn và phí sinh hoạt hàng tháng với mức lương hưu và thu nhập thụ động khác sẽ giúp bạn hình dung bức tranh tài chính cá nhân khi về hưu. Nếu hai bên chưa cân đối, bạn không nên nghỉ hưu vội.
Ngoài ra, mỗi người cần dự trù số tiền nhất định cho chăm sóc sức khỏe. Điều này giúp đảm bảo khi về hưu, bạn vẫn có thể chi trả đầy đủ cho sức khỏe khi cần thiết.
Lên kế hoạch chi tiêu kỹ càng giúp mỗi người hình dung tốt hơn về bức tranh tài chính khi về hưu. Ảnh minh hoạ: Bloomberg
Chưa hình thành thói quen tiết kiệm
Chuyên gia cho rằng, đây là một kỹ năng cần thiết để giúp bạn sớm đạt được mục tiêu tài chính hưu trí. Cần hiểu rõ tiết kiệm, chứ không phải tằn tiện. Bạn sẽ cân nhắc lại các khoản chi tiêu sao cho hợp lý nhất, đồng thời giảm thiểu các hoạt động tốn tiền không đáng có và phải đảm bảo mức sống vẫn sẽ duy trì thoải mái.
Ngoài tiết kiệm, mỗi người không nên phụ thuộc vào một nguồn thu nhập cố định mà tìm cách tăng các nguồn ngoài tiền lương hàng tháng. Đặc biệt với những ai muốn nghỉ hưu sớm, việc có nhiều nguồn thu nhập sẽ giúp bạn rút ngắn quá trình tiết kiệm, đồng thời đảm bảo cân bằng chi tiêu.
Các yếu tố tinh thần
Ngay khi đã thu xếp ổn thỏa về tài chính, bạn cần hiểu rằng yếu tố tinh thần để xác định thời điểm nghỉ hưu rất quan trọng. Đây là điểm mà nhiều người thường bỏ qua.
Sau khi nghỉ hưu, thời gian trống của mỗi người đều dâng lên rất nhiều, đôi khi chúng ta khó hình dung rõ. Nếu bạn bè duy nhất của bạn là những người đồng nghiệp hoặc họ vẫn đang làm việc miệt mài, bạn cần nghiêm túc nghĩ xem mình sẽ làm gì với thời gian trống cực lớn.
Nhiều người nghĩ rằng họ có rất nhiều sở thích và thú vui cho đến khi họ thật sự có đầy thời gian rảnh rỗi. Khi bạn đã nghỉ hưu, mỗi ngày đều giống như cuối tuần. Chuyên gia lưu ý, nếu cảm thấy buồn chán và không có nhiều sở thích để tiêu thời gian, bạn sẽ có nguy cơ bị bội chi. Chưa kể, những người về hưu luôn cảm thấy cô đơn và điều đó đôi khi dẫn đến trầm cảm.
Ngoài ra, nếu vẫn còn yêu công việc của mình, bạn không nên nghỉ hưu. Hãy nhìn vào Warren Buffett - người vẫn đang làm việc ở tuổi hơn 90 và không có kế hoạch nghỉ hưu. Ông làm điều đó vì thích chọn lựa, phân tích và theo dõi cổ phiếu - không phải để nâng cao khối tài sản vốn đã đạt hàng tỷ USD của mình. Nếu bạn vẫn hào hứng với việc thức dậy và đi làm vào buổi sáng, hãy tiếp tục làm việc đó.
Chuyên gia lưu ý thêm, định nghĩa nghỉ hưu cũng đang được diễn giải một cách khai phóng, nhất là ở người trẻ. Ngày càng nhiều người xem nghỉ hưu như một bước ngoặt mà kể từ đó, họ dừng tập trung vào kiếm tiền và đặt các mối quan tâm khác của đời sống lên trên. Với cách hiểu mới, nghỉ hưu không phải là ngừng làm việc.
Tóm lại, dấu hiệu quan trọng cho thấy một người không nên nghỉ hưu là khi bản thân không thể trả lời câu hỏi: "Tôi có ổn để nghỉ hưu không?".