Có khoảng 15% các trường hợp u gan lành tính có triệu chứng, biến chứng, tăng kích thước nhanh hoặc có nguy cơ thoái hóa ác tính và cần can thiệp điều trị phẫu thuật.
Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, u gan lành tính là những khối u biểu mô, u không biểu mô và các tổn thương dạng u được phân loại theo giải phẫu bệnh các khối u gan của Tổ chức Y tế Thế giới, thường gặp nhất trên lâm sàng là nang gan và u máu. Chỉ tính riêng u máu đã chiếm tới 20% các tổn thương u tại gan, tính trên siêu âm và trên giải phẫu tử thi.
Phần lớn người bệnh u gan lành tính không có triệu chứng, được phát hiện tình cờ qua siêu âm hoặc khám bệnh vì tổn thương cơ quan khác, chỉ cần theo dõi định kỳ và không cần điều trị gì. Tuy nhiên, có khoảng 15% các trường hợp u gan lành tính có triệu chứng, biến chứng, tăng kích thước nhanh hoặc có nguy cơ thoái hóa ác tính và cần can thiệp điều trị phẫu thuật.
Các loại u gan thường gặp
U máu gan
U máu gan là dị dạng mạch máu bẩm sinh và là khối u lành tính hay gặp nhất ở gan, với tỷ lệ 0,4 - 20% trên siêu âm và trên giải phẫu thực nghiệm. Chúng có nguồn gốc bẩm sinh và hiếm thấy có ung thư hóa.
U tuyến
Là loại u tế bào gan, hiếm gặp, hầu hết gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, rất hiếm gặp ở nam giới và ở trẻ em dưới 15 tuổi. U này thường xuất hiện trên nền gan lành hoặc gần như bình thường.
Tăng sản thể nốt khu trú
Tăng sản thể nốt khu trú là một tổn thương gan lành tính, ít gặp.
Nang gan
Là tổn thương gan lành tính thường gặp trên lâm sàng. Đặc trưng bởi các ổ chứa thanh dịch, không thông với đường mật, được lót bởi các tế bào biểu mô hình trụ hoặc hình hộp giống như tế bào biểu mô đường mật (là đặc điểm phân biệt với u máu, u bạch mạch và ký sinh trùng).
U cơ mỡ mạch
Là loại u trung mô lành tính rất hiếm gặp của gan, hay gặp hơn ở thận. U cơ mỡ mạch ở gan thường biểu hiện là một khối u đặc trên nền gan không xơ.
Dấu hiệu cảnh báo u gan
Triệu chứng lâm sàng của u gan thường nghèo nàn và không đặc hiệu với các biểu hiện đau tức hạ sườn phải, ăn kém, hiếm khi có các triệu chứng tắc mật, gầy sút cân do người bệnh chán ăn.
Đa số người bệnh đến khám bệnh có biểu hiện đau tức hạ sườn phải do khối u gây căng giãn bao glisson hoặc do chèn ép. Có khi người bệnh đến khám có biểu hiện của hội chứng vàng da tắc mật do khối u chèn ép vào đường mật.
Một số người bệnh đến viện vì khám sức khỏe định kỳ hay vì bệnh lý cơ quan khác, tình cờ phát hiện u gan, không có triệu chứng gì trước đó.
Hiếm gặp một số trường hợp người bệnh đến viện vì biến chứng của u như: u vỡ gây chảy máu trong ổ bụng, hoại tử u gây sốt và đau nhiều hoặc có khi u áp xe gây viêm phúc mạc.
U lành tính nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ thoái hóa u ác tính
Chẩn đoán các khối u gan vẫn dựa trên nền tảng cơ bản là siêu âm và chụp cắt lớp vi tính. Cộng hưởng từ giúp chẩn đoán chính xác hơn với độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn.
U gan lành tính khi nào cần phẫu thuật?
Chỉ định phẫu thuật cho những trường hợp u gan lành tính khi:
- Có biến chứng: các trường hợp u vỡ gây chảy máu trong ổ bụng, hoại tử hoặc áp xe hóa, các u lớn gây chèn ép đường mật.
- Các khối u có kích thước lớn và có triệu chứng lâm sàng: đau dai dẳng vùng hạ sườn phải mà không tìm thấy nguyên nhân gây đau khác.
- Các khối u gan lành tính phát triển nhanh về kích thước.
- Khối u gan lành tính nhưng có nguy cơ thoái hóa ác tính, như u tuyến gan.
- Khối u nghi ngờ ác tính.
Một chỉ định tương đối khác là khối u ở vị trí ngay dưới bao gan, có nguy cơ vỡ cao. Ngoài ra, các khối u gan lớn tuy không có triệu chứng nhưng trên cơ thể người bệnh có nghề nghiệp đặc biệt như: võ sĩ, vận động viên cũng có thể xem xét phẫu thuật.