Nghiên cứu mới về miễn dịch tự nhiên của Đại học Johns Hopkins cho thấy nhiều người từng mắc Covid-19 và chưa được tiêm chủng có thể duy trì kháng thể chống lại nCoV tới 21 tháng.
Trong chương trình Fox News at Night tối 3/2, PGS.TS Marty Makary, Đại học Johns Hopkins, chuyên gia về phẫu thuật, cho hay câu hỏi phổ biến nhất mà ông nhận được đó là khả năng miễn dịch tự nhiên hay miễn dịch nhờ vaccine Covid-19 mạnh mẽ hơn. Điều này rất khó so sánh và dễ gây hiểu lầm, cũng như ảnh hưởng tới chính sách, hoạch định về y tế.
Phát hiện trái ngược
Ngày 3/2, TS Dorry Segev, Nhóm Nghiên cứu Dịch tễ học về Cấy ghép Nội tạng, Viện Y tế Johns Hopkins, dẫn đầu nhóm chuyên gia công bố phát hiện mới trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA).
Họ thực hiện xét nghiệm huyết thanh học trên 1.580 tình nguyện viên, độ tuổi trung bình là 48 với 52% phụ nữ và 82% người da trắng. Trong số này, 295 người cho biết họ có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Ngoài ra, 14% cho biết họ thường xuyên sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng.
Trong số các người được xác định mắc Covid-19, 293 (tương đương 99,3%) có kết quả xét nghiệm dương tính với kháng thể chống nCoV RBD. Trung bình 8,7 tháng kể từ khi họ nhận được chẩn đoán mắc Covid-19, họ vẫn có kháng thể chống virus.
Ngoài ra, trong số 275 người chưa được chẩn đoán mắc Covid-19, 55% có xét nghiệm dương tính với kháng thể chống RBD, mức độ trung bình là 131, thấp hơn gần 50% so với nhóm từng mắc bệnh.
Từ các số liệu, nhóm tác giả kết luận trong số những người trưởng thành ở Mỹ chưa được tiêm chủng tham gia nghiên cứu, 99,3% có kháng thể chống nCoV. Mức độ kháng thể này thậm chí có thể tồn tại đến 21 tháng kể từ khi có chẩn đoán mắc Covid-19.
Các tác giả cũng nhấn mạnh chưa rõ mức độ kháng thể tồn tại gần 2 năm sau khi mắc Covid-19 của những người chưa tiêm vaccine có khả năng bảo vệ thế nào, nhất là với những biến chủng mới. Do đó, họ không đưa ra bất kỳ kết luận nào khác về khả năng "miễn nhiễm" với Covid-19 của những người này.
Một số nghiên cứu trước đây cũng phát hiện những con số trái ngược về thời gian tồn tại của kháng thể tự nhiên ở người khỏi Covid-19. Tuy nhiên, tất cả thông tin này đều chưa có kết luận chung cụ thể.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí International Journal of Infectious Diseases của nhóm chuyên gia Bệnh viện Đại học Aarhus, Đan Mạch, các kháng thể chống Covid-19 có thể tồn tại lên tới 15 tháng kể từ khi F0 khỏi bệnh.
Cuối tháng 11/2021, theo Reuters, một nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại Australia đứng đầu phát hiện các bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ hoặc không triệu chứng vẫn có kháng thể chống nCoV sau một năm. Song, các kháng thể này không bảo vệ được họ trước các biến chủng mới.
Nghiên cứu do nhóm chuyên gia của Đại học King's College London, Anh, thực hiện và công bố trên tạp chí Nature Microbiology ngày 29/1/2021, lại cho thấy sau 10 tháng, bệnh nhân khỏi Covid-19 vẫn có kháng thể chống lại nCoV, song, chúng có dấu hiệu suy giảm.
Trong khi đó, một số nghiên cứu cũng chỉ ra mắc Covid-19 không phải "lá bùa hộ mệnh" cho các F0. TS Luis Ostroky, trường Y khoa McGovern, cho biết: "Miễn dịch tự nhiên có thể mạnh mẽ ở một số thời điểm, nhưng nó không bền vững, chỉ kéo dài khoảng ba tháng". Ông nhận định một số người không thực sự có miễn dịch sau khi mắc Covid-19.
Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở người được tiêm vaccine Covid-19. CNN đưa tin đầu tháng 11/2021, Andrew Linder, 34 tuổi ở Akron, Ohio, Mỹ, được làm xét nghiệm kháng thể và tất cả đều cho kết quả âm tính. Theo CNN, người đàn ông này đã được ghép thận trước đó và tiêm 4 liều vaccine Covid-19. Song, cơ thể của anh vẫn không tạo ra kháng thể bảo vệ từ vaccine như người khác.
Nhiều người sau khi khỏi Covid-19 thậm chí cũng không có kháng thể chống nCoV. Ảnh: iStock.
F0 khỏi bệnh không "bất tử"
Theo ông Makary, vaccine có thể chống lại nguy cơ bị bệnh nặng, song, các kháng thể có thể giảm đi sau vài tháng. Miễn dịch tự nhiên cũng vậy. Và vị chuyên gia cho rằng thay vì phân biệt người đã tiêm vaccine và chưa tiêm vaccine, chúng ta nên sử dụng định nghĩa khác đó là “người có miễn dịch và người không có miễn dịch”.
Chúng ta cũng không nên có tâm lý chủ quan khi đã mắc Covid-19 hay được tiêm vaccine. Bởi ngay cả khi có kháng thể chống nCoV, nó cũng không thể bảo vệ chúng ta 100% khỏi nguy cơ mắc Covid-19.
Cuối tháng 1, chuyên gia tại Đại học Y Khoa Oregon (OHSU) phát hiện nhiều người tiêm vaccine và từng khỏi bệnh Covid-19 có thể phát triển cái mà các nhà khoa học gọi là "siêu miễn dịch". Khái niệm này đề cập việc một bệnh nhân đã tiêm vaccine và từng mắc Covid-19 sẽ có phản ứng miễn dịch mạnh hơn. Sự kết hợp giữa miễn dịch tự nhiên và miễn dịch từ vaccine sẽ mang lại nhiều khả năng bảo vệ hơn so với người chỉ có một loại miễn dịch.
Các kháng thể tạo ra từ việc mắc Covid-19 có thể khác nhau tùy thuộc vào hệ miễn dịch ở mỗi người. Đặc biệt, sau khi khỏi bệnh, nhiều F0 vẫn phải vật lộn với di chứng hậu Covid-19.
Do đó, các chuyên gia đều khuyến cáo sau khi khỏi Covid-19, F0 không nên chủ quan, cần duy trì những biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay hay tránh nơi đông người. Tiêm vaccine Covid-19 vẫn là cách hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng, nhập viện, tử vong khi nhiễm nCoV. Chúng ta cũng không nên có tâm lý mong muốn mắc bệnh để đạt miễn dịch với Covid-19.