Giáo dục trẻ nhỏ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Có 2 kiểu giáo dục mà cha mẹ cần đặc biệt phải tránh.
Cha mẹ bạc bẽo với họ hàng, ông bà
Cha mẹ chính là tấm gương cho con cái noi theo. Muốn con đối xử với mình như thế nào thì bản thân cũng cần đối xử với cha mẹ mình như vậy.
Câu chuyện về cái bát gỗ chắc hẳn nhiều người đã biết. Một cặp vợ chồng vì thấy cha già yếu, tay run, thường xuyên làm đổ chén bát nên đã phàn nàn và bắt ông ngồi bàn riêng, dùng bát gỗ để làm rơi cũng không bị vỡ.
Đứa con trai nhỏ của họ thấy vậy thì hì hục làm một cái bát gỗ khác, nói rằng làm sẵn để sau này bố mẹ già yếu rồi sẽ sử dụng. Nghe con nói vậy, hai vợ chồng rụng rời chân tay. Bản thân họ tự biết rằng, nếu không thay đổi cách cư xử với người cha kịp thời, sau này tương lai họ cũng sẽ bị con trai đối xử y hệt như vậy.
Nếu phụ huynh là những người con hiếu thảo thì sau này con cái cũng học theo chữ hiếu ấy mà báo đáp. Còn nếu phụ huynh là những người hẹp hòi, không thương yêu người thân thì không thể nuôi dạy được con cái hiếu thảo với mình.
Nếu những gì phụ huynh làm gương chỉ là sự vô ơn, ích kỷ, không hiếu thuận, đừng nói đến triển vọng của gia đình, ngay cả bản thân đứa trẻ cũng khó mà phân biệt được thiện ác, đúng sai.
Cha mẹ không tôn trọng thầy cô, con cái không có tương lai
Thầy cô là những người dẫn dắt và truyền đạt cho trẻ kiến thức, kỹ năng sống để chúng có thể trở thành những nhân tài mai sau.
Mỗi ngày trẻ ở trường nhiều hơn ở nhà, thầy cô chính là người gần gũi với trẻ nhất. Phụ huynh nếu không tỏ thái độ tôn trọng giáo viên của con, thường xuyên dùng những lời lẽ không hay để nói về họ trước mặt con, ùng quyền làm cha làm mẹ để hạch sách, bôi nhọ các thầy cô thì lẽ đương nhiên, ngay trong thâm tâm đứa trẻ cũng chẳng thể có được sự tôn trọng cần thiết dành cho "người dẫn đường" của chúng.
Khi một đứa trẻ không tôn trọng thầy cô của mình thì chúng khó có thể tiếp thu được kiến thức do thầy cô truyền đạt và không thể có một thái độ đúng mực đối với những người mà đáng ra trẻ cần phải tôn trọng. Như vậy, tương lai của chúng sẽ đi về đâu?
Muốn giáo dục con thành người tài đức, trước hết phụ huynh cần có sự nhìn nhận và chỉnh sửa chính bản thân mình.