Ông Putin nhấn mạnh: "Nga đã, đang và luôn là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho những người tiêu dùng trên toàn thế giới - cả ở Châu Á và Châu Âu".
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ gọi khí đốt Nga là "bẩn" nhất thế giới, Moscow đáp trả gì?
Trong bối cảnh mùa đông đang đến rất gần và giá năng lượng tăng cao ngất ngưởng ở châu Âu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nắm trong tay cơ hội để sử dụng đòn bẩy của đất nước mình như một siêu cường dầu khí.
Trong một ngày hỗn loạn chứng kiến giá khí đốt tại châu Âu tăng đến 40% chỉ trong vài phút, Tổng thống Putin đã giúp hạ nhiệt bằng cách đề nghị giúp ổn định tình hình. Theo lời nhà lãnh đạo Nga, nước này đủ khả năng xuất khẩu một lượng nhiên liệu kỷ lục sang châu Âu trong năm nay.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng điều đó hoàn toàn khả thi sau khi đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 hiện đang gây tranh cãi được thông qua.
Đường ống Nord Stream 2 nằm dưới Biển Baltic, dự kiến sẽ là đường vận chuyển khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức. Tuy nhiên, dự án này đã vướng vào nhiều tranh cãi địa chính trị giữa Nga, Ukraine và nhiều quốc gia châu Âu.
Trước đây, khí đốt được đưa qua tuyến đường ống trung chuyển nằm trong lãnh thổ Ukraine, nhưng Tổng thống Putin và nhiều quan chức Nga cho biết tuyến đường ống xây từ thời Liên Xô cũ này khiến chi phí bị đội giá và gây ô nhiễm hơn so với các đường ống mới.
"Chúng ta hãy nghĩ về khả năng gia tăng nguồn cung khí đốt trên thị trường, và hãy suy nghĩ một cách cẩn trọng", ông Putin phát biểu hôm 6/10.
Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu đang lan ra trên thị trường chứng khoán và trái phiếu, làm dấy lên lo ngại lạm phát và nguy cơ làm tê liệt các ngành công nghiệp lớn. Các quốc gia trong khu vực đang phải vật lộn để đối phó, với hy vọng có thể giải quyết vấn đề trước mùa đông.
Một số quan chức châu Âu đã đổ lỗi cho Nga giảm nguồn cung so với dự kiến, nói rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình thảm khốc trên thị trường dầu khí của châu lục.
Trong khi đó, Tổng thống Putin khẳng định Nga đã hoàn thành tất cả các hợp đồng cung cấp khí đốt của mình, và đất nước của ông không muốn chứng kiến "cơn điên đầu cơ" đang làm lũng đoạn thị trường.
Ông Putin nhấn mạnh: "Nga đã, đang và luôn là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho những người tiêu dùng trên toàn thế giới - cả ở Châu Á và Châu Âu, đồng thời luôn hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ của mình."
Xuất khẩu khí đốt của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom sang châu Âu trong 9 tháng đầu năm gần đạt mức cao nhất mọi thời đại, theo công ty. Nếu tốc độ đó được duy trì trong những tháng còn lại của năm 2021, thì đây sẽ là một năm kỷ lục của nước Nga, ông Putin nói.
Ổn định thị trường
Phát biểu trong cuộc họp với các quan chức Nga, Tổng thống Putin cho biết giá khí đốt tăng cao ở châu Âu là một mối lo đối với nước này hơn là "món hời".
Tổng thống Putin đã đề nghị các quan chức trong lĩnh vực năng lượng của Nga đóng góp các ý kiến về cách ổn định thị trường năng lượng, và Nord Stream 2 không phải là đề xuất duy nhất.
Chẳng hạn, ông Novak, Phó thủ tướng kiêm cựu Bộ trưởng Năng lượng Nga và là một trong những nhà "kiến trúc sư" của OPEC +, cũng đề xuất bán thêm khí đốt trên sàn giao dịch điện tử của Gazprom, có trụ sở ở St. Petersburg.
Phó Thủ tướng Nga tin rằng, mặc dù một số yếu tố "cơ bản" như sản lượng khí đốt giảm ở Hà Lan và Na Uy cũng như nhu cầu gia tăng ở châu Á đã ảnh hưởng đến giá khí đốt ở châu Âu, nhưng tình hình tăng giá hoảng loạn gần đây phần lớn là do suy đoán. "Mức giá hiện tại không phản ánh tình hình thực tế", ông nói.
Tổng thống Putin đồng ý rằng giao dịch khí đốt trên thị trường có thể là một giải pháp nhanh chóng nếu nó thực sự giúp chống lại giá đầu cơ. Tuy nhiên, đây không thể là một giải pháp lâu dài vì theo nhà lãnh đạo Nga, nó sẽ không có hiệu quả đặc biệt về lâu dài.
"Khí đốt không phải là đồng hồ, quần áo hay xe hơi. Nó thậm chí cũng không giống như dầu mỏ - thứ có thể được khai thác, xử lý và sau đó được lưu trữ ở bất cứ đâu, kể cả tàu chở dầu, tùy thuộc vào tình hình trên thị trường.
Khí tự nhiên không thể được lưu trữ giống như dầu mỏ, kể cả khi đó là khí đốt hóa lỏng. Nó vẫn cần được khai thác, hóa lỏng, nạp vào bình chứa, và chuyển thành khí thiên nhiên đơn thuần qua bộ hóa hơi đặc thù ở nơi tiêu thụ. Đó là một quá trình tốn kém và phức tạp," tổng thống nói.
Thực tế là số phận của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ngày càng đan xen với tình hình ở châu Âu. Khối lượng xuất khẩu khí đốt của Nga giảm trong tháng 9, đồng nghĩa với việc nguồn cung thông qua các tuyến đường trung chuyển qua Ukraine và Ba Lan giảm, làm dấy lên những lời chỉ trích rằng Nga đang giữ lại nguồn cung khí đốt để ép các nước khác nhanh chóng chấp nhận Nord Stream 2 hơn.
Tổng thống Putin cho biết Gazprom sẽ vận chuyển nhiều khí đốt qua Ukraine hơn so với hợp đồng trong năm nay. Ông nhấn mạnh rằng Nga vẫn tiếp tục duy trì hợp đồng với Ukraine, nhưng nếu so về hiệu quả kinh tế và tác động đối với môi trường thì hệ thống đường ống mới của Nga dưới Biển Đen và Biển Baltic - bao gồm Nord Stream 2 - vượt trội hơn hẳn.
Ông Putin cho biết cuộc khủng hoảng thị trường hiện nay là do sự phục hồi kinh tế nhanh chóng trên toàn thế giới đã "hâm nóng" nhu cầu về năng lượng. Một mùa đông dài và lạnh bất ngờ đã làm cạn kiệt kho khí đốt của châu Âu, nhà lãnh đạo Nga cho hay.
Tuy nhiên, ông Putin cũng nêu rõ một "sai lầm" của các nhà chức trách châu Âu khi chuyển từ các hợp đồng dài hạn mà Nga ưa chuộng hơn sang các giao dịch mua bán ngắn hạn trên các sàn giao dịch của khu vực.
"Ngày nay, rõ ràng là chính sách này là một sai lầm", ông Putin nói. "Kết quả là hiện nay giá khí đốt đã phá vỡ mọi kỷ lục lịch sử và ngày nay nó đã tăng lên 2.000 USD/1.000 mét khối."
VietBF @ Sưu tầm