Trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nước ta lại bước vào mùa mưa bão nên dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tại Hà Nội tiếp nhận 88 ca sốt xuất huyết từ ngày 10/9 đến 23/9. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 4-5 bệnh nhân, theo bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Thống kê đến ngày 20/9 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, thành phố ghi nhận 724 ca sốt xuất huyết cộng dồn trong năm 2021. Số người mắc có xu hướng tăng từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 với khoảng 60-70 ca một tuần, trong khi tháng 6-7 chỉ ghi nhận 30-40 ca một tuần. Đại diện CDC Hà Nội nhận định hiện tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn chưa có diễn biến phức tạp, tuy nhiên nguy cơ có thể gia tăng, nhất là vào mùa mưa, tháng 10-11.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam cũng tiếp nhận liên tiếp rất nhiều bệnh nhân từ các phường nội thành như Hai Bà Trưng, Minh Khai, Lê Hồng Phong trong tháng 9. Đại diện bệnh viện cho biết những nơi này mọi năm chỉ xuất hiện rải rác, nhưng năm nay có phường ghi nhận đến gần 100 ca, tăng cao hơn so với các thời điểm khác trong năm.
Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh , điều trị hơn 100 ca sốt xuất huyết, từ tháng 7 đến nay. Đại diện bệnh viện ngày 27/9, cho biết các ca có xu hướng tăng dần trong nửa cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Đại diện CDC Quảng Ninh nhận định số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng trên toàn tỉnh so với cùng thời điểm năm ngoái. Từ đầu năm đến khoảng giữa tháng 9, tỉnh ghi nhận 127 ca mắc sốt xuất huyết, dự kiến số ca mắc có thể tiếp tục tăng.
Thống kê của Bộ Y tế trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 43.952 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 13 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm hơn 9%, số ca tử vong tăng 10 trường hợp.
Đáng nói hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Do bệnh lây từ người sang người qua đường muỗi đốt nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi. Và thay vì dùng các hóa chất đuổi muỗi độc hại, bạn có thể áp dụng một số biện pháp xua đuổi muỗi hoàn toàn tự nhiên, an toàn cho sức khỏe dưới đây:
Đuổi muỗi bằng vỏ cam, quýt
Sau khi ăn cam, quýt, bạn nên giữ lại vỏ, phơi khô, cất giữ để dùng xua muỗi khi cần. Trong vỏ cam, quýt, bưởi chứa rất nhiều tinh dầu, có công dụng đuổi muỗi khá hiệu quả.
Cách dùng rất đơn giản, bạn chỉ cần mang vỏ bưởi, cam, quýt phơi khô vào góc phòng nơi có nhiều muỗi và đốt. Khói từ phần vỏ bị đốt sẽ khiến muỗi cảm thấy khó chịu mà bay đi. Ngoài tác dụng đuổi muỗi phương pháp này cũng giúp không gian nhà bạn có mùi thơm dễ chịu.
Sử dụng tinh dầu sả
Muỗi rất sợ tinh dầu sả, vì vậy bạn nên trang bị những thiết bị như đèn xông tinh dầu để xua đuổi muỗi lâu dài và giúp không gian ngôi nhà thêm thoáng mát, thơm tho.
Một mẹo đuổi muỗi hiệu quả khác là bạn có thể sử dụng hỗn hợp sả và giấm. Bạn chỉ cần ngâm sả đập dập vào hỗn hợp nước, giấm sau đó xay nhuyễn, lọc lấy nước và ủ trong khoảng 3 tuần là đã có ngay dung dịch thơm mát khiến muỗi tránh xa.
Đốt bồ kết
Bồ kết được nhiều chị em ưa chuộng và sử dụng để chăm sóc mái tóc hiệu quả nhưng không phải ai cũng biết khói bồ kết có tác dụng tẩy uế, làm sạch không khí và xua đuổi côn trùng, trong đó có ruồi, muỗi, gián. Tuy nhiên bạn cần lưu ý chỉ đốt với số lượng vừa phải để tạo ra một làn khói thoang thoảng trong nhà, tránh bị ngạt.
Trồng các loại cây đuổi muỗi
Những loại cây như húng quế, hương thảo, bạc hà, tía tô, tỏi... đều có tác dụng đuổi muỗi hiệu quả. Bạn có thể trồng chúng xung quanh nhà, vừa có thể dùng để nấu ăn vừa có tác dụng đuổi muỗi.
Xịt hỗn hợp ớt, tỏi
Nước ớt cay và tỏi được sử dụng như một biện pháp ngăn chặn côn trùng hiệu quả. Vị cay, tính ôn của tỏi có tác dụng giải độc, sát khuẩn, trừ phong và đuổi muỗi rất tốt. Tuy nhiên bạn phải cẩn thận để không xịt nó vào bất cứ thứ gì ăn được và tránh mọi tiếp xúc với mắt và tay.
|
|