Tuy đa số các polyp đại tràng lành tính, nhưng khi tiến triển có thể gây ra nhiều biến chứng như chảy máu tiêu hóa, tắc ruột, thậm chí ung thư.
Giáo sư Đào Văn Long, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật, cho biết polyp đại tràng là một tổn thương có dạng giống như khối u, có thể có cuống hoặc không cuống, do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành. Theo thời gian, một số polyp có thể tăng kích thước, thay đổi cấu trúc, tiến triển thành ung thư hoặc gây ra nhiều biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột.
Hiện, số người mắc polyp đại tràng tại Việt Nam chiếm 10-12%, phổ biến trên 40 tuổi. Số liệu thống kê polyp tiến triển thành ung thư chưa có cụ thể, song các chuyên gia ước tính có khoảng một nửa trường hợp ung thư đại tràng tiến triển từ polyp. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam ghi nhận gần 15.000 ca mắc ung thư đại tràng mới.
Polyp lúc đầu thường nhỏ và sinh sản chậm, không gây triệu chứng. Vì vậy cần tầm soát các polyp trước khi chúng trở thành ung thư. Đây là một trong những biện pháp dự phòng ung thư hiệu quả.
Nội soi đại tràng là phương pháp tốt nhất hiện nay để phát hiện polyp. Qua nội soi, nếu phát hiện polyp, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ trong lúc soi. Nội soi đại tràng cũng cho phép bác sĩ tiến hành sinh thiết tìm tế bào ung thư nếu nghi ngờ người bệnh bị ung thư đại tràng. Đây là cách kiểm tra đầy đủ vì người bệnh thường có nhiều hơn một polyp và bất kỳ polyp nào cũng có thể tiến triển thành khối u ác tính.
Các bác sĩ nội soi đại tràng cho bệnh nhân. Ảnh: Thu Trang.
Theo Tiến sĩ Đào Việt Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ bỏ sót tổn thương ung thư đường tiêu hóa rất đáng ngại. Với ung thư đại tràng tỷ lệ bỏ sót tổn thương tiền ung thư (polyp/adenoma) 20-47%.
Các chuyên gia Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật Việt Nam cùng các đơn vị mới đây đã xây dựng phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi tiêu hóa. Ứng dụng góp phần nâng cao tỷ lệ phát hiện, tránh bỏ sót tổn thương cũng như tiết kiệm nguồn nhân lực y tế.
"Nếu phát hiện polyp, bác sĩ sẽ cảnh báo bệnh nhân tái khám định kỳ, thay vì bỏ bẵng 5-10 năm, lúc đó một polyp bình thường có thể tiến triển thành nguy cơ ung thư", bác sĩ Hằng nói.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần, tầm soát ung thư đại tràng tại các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín. Nếu một người trong gia đình mắc đa polyp đại tràng, ung thư đại tràng thì người thân ruột thịt như bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột phải đi khám sàng lọc ung thư càng sớm càng tốt.
VietBF@sưu tập