Ngoại trưởng Landsbergis hối thúc các nước EU khác làm theo và gọi cơ chế của Trung Quốc là "gây chia rẽ".
Lithuania trần tình lý do rút lui
Nhà ngoại giao hàng đầu Lithuania tại Trung Quốc đã bác bỏ quan điểm cho rằng Lithuania chọn phe đối đầu Bắc Kinh khi rời bỏ cơ chế 17+1 do Trung Quốc dẫn đầu.
Bà Diana Mickeviciene, đại sứ Lithuania tại Trung Quốc, cho biết Lithuania đã thông báo cho Trung Quốc quyết định rút khỏi cơ chế hợp tác giữa các nước Trung - Đông Âu (CEE) với Trung Quốc - hay còn gọi là cơ chế 17+1 do Bắc Kinh khởi xướng năm 2012.
"Đây là tính toán đơn thuần", bà Mickeviciene nói với SCMP, phủ nhận quan điểm mà Hoàn Cầu đưa ra trước đó - rằng Lithuania chọn phe "chống Trung Quốc".
Không cần phải chính thức rời bỏ cơ chế khi mà nó là một nhóm tự nguyện, và Mickeviciene nói về quyết định Lithuania đưa ra hồi tháng 2.
Quốc gia Baltic là nước đầu tiên rời nhóm 17+1. Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis đã xác nhận quyết định này hôm 22/5 và thúc giục các nước EU khác làm theo. Ông Landsbergis gọi đây là cơ chế "gây chia rẽ" từ 1 góc nhìn từ châu Âu.
Là một thành viên của cả EU và NATO, Lithuania băn khoăn về nỗ lực thu hút các quốc gia CEE nhỏ hơn của Trung Quốc bằng lợi ích kinh tế. Mickeviciene cho rằng 17+1 không hiệu quả.
"Kỳ vọng của chúng tôi khi tham gia vào 17+1 là để tăng cường tiếp cận thị trường Trung Quốc, và không may là chuyện này chưa xảy ra", Mickeviciene nói, "Chúng tôi có tăng trưởng nhẹ về xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc luôn tăng mạnh hơn, nên cán cân thương mại của chúng tôi vẫn âm".
Năm ngoái, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 22 của Lithuania, trị giá gần 500 triệu USD, trong khi Lithuania nhập khẩu tới 1,8 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc - mặc dù mức xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc đã tăng 32% năm 2019, trước khi chịu ảnh hưởng từ Covid-19.
Các đây 1 thập kỷ, vào thời điểm trước khi nước này gia nhập cơ chế này - lúc đó là 16+1 - xuất khẩu của Lithuania sang Trung Quốc là 81 triệu USD, trong khi nhập khẩu ở mức 629 triệu USD.
Trung Quốc đã đề xướng ra cơ chế mới vào năm 2012 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khu vực eurozone, tạo ra hy vọng về một cơn lũ đầu tư Trung Quốc.
Tuy nhiên giới phân tích cảnh báo rằng Bắc Kinh đang sử dụng diễn đàn để lôi kéo một vài trong số 12 thành viên EU ở nhóm CEE vào quỹ đạo của mình.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có lý giải nguyên do thiếu tiến triển trong việc nhập hàng hóa Lithuania hay không, bà Mickeviciene nói: "Đó là một chủ đề thường xuyên được đưa ra trong các cuộc thảo luận của chúng tôi và chúng tôi thực sự không biết vì sao. Chúng tôi không thể nhận được câu trả lời".
"Tại Trung Quốc, chúng tôi cần một cú thúc lớn hơn, một nỗ lực lớn hơn nhưng cũng cần cởi mở và minh bạch hơn".
Bà Mickeviciene cho biết bà tin rằng chuyện này có thể được cải thiện bằng cách đàm phán với Trung Quốc thông qua khối thương mại EU và rằng những khác biệt giữa các nước trong và ngoài EU ở 17+1 thường xuyên tạo ra mâu thuẫn lợi ích mà Lithuania khó có thể xử lý được.
Bắt tay với Đài Loan, bỏ Huawei
Quyết định rời 17+1 của Lithuania là điều có thể đoán trước khi nước này cử một quan chức cấp thấp tới hội nghị gần đây nhất của nhóm, giống như Estonia, Latvia, Bulgaria, Romania và Slovenia.
Sau đó là bình luận của ông Landsbergis về việc cơ chế hầu như không mang lại lợi ích.
Tuy nhiên, những khó khăn trong quan hệ giữa Vilnius và Bắc Kinh đã vượt qua khuôn khổ thương mại.
Lithuania đã công bố dự định mở một văn phòng thương mại tại Đài Loan. Điều này khiến Bắc Kinh tức giận. Vilnius cũng chọn công ty viễn thông Telia của Thụy Điển để thay thế tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc trong việc phát triển mạng 5G, sau khi Huawei viện trợ vật phẩm y tế trong giai đoạn đại dịch.
Hồi tháng 5, Quốc hội Lithuania thông qua nghị quyết lên án cách Trung Quốc đối xử với người đạo Hồi thiểu số ở nước này. Cũng trong ngày hôm đó, Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu khước từ phê chuẩn thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc trước khi Trung Quốc dỡ bỏ cấm vận đối với một số học giả và quan chức của EU.
Mickeviciene cho biết: Lithuania hy vọng không phải đối mặt với phản ứng ngược trong quan hệ với Trung Quốc và khẳng định Vilnius hoàn toàn tôn trọng lợi ích của Bắc Kinh.
"Chúng tôi hy vọng quan hệ sẽ phát triển. Chúng tôi cần nhiều cuộc đối thoại mở và chúng tôi sẵn sàng cho điều đó", bà Mickeviciene nói.
"Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ngừng bất cứ việc gì [trong thương mại] hay người dân tẩy chay hàng hóa. Chúng tôi chỉ muốn một mối quan hệ bình thường, hiệu quả, văn minh".
VietBF @ Sưu tầm