Theo một nguồn tin giấu tên, Tập đoàn ByteDance đề xuất giá 60 tỷ USD cho TikTok, trong đó Oracle và Walmart sẽ chi 12 tỷ USD để mua 20% cổ phần.
"Oracle và Walmart sẽ chi tổng cộng 12 tỷ USD để mua cổ phần nếu chấp nhận mức giá 60 tỷ USD do chủ sở hữu ByteDance đưa ra. Giá trị cuối cùng của TikTok chưa được xác định do các bên vẫn đang đàm phán về cơ cấu cổ phần và những biện pháp bảo đảm an ninh", nguồn tin giấu tên am hiểu về cuộc thảo luận cho biết hôm 20/9.
ByteDance, TikTok, Oracle và Walmart chưa bình luận về thông tin này.
Bên ngoài trụ sở TikTok tại bang California, Mỹ, hồi tháng 8. Ảnh: AFP.
Các bên dự kiến thành lập doanh nghiệp mới mang tên TikTok Global để quản lý hoạt động của TikTok tại Mỹ. Oracle giữ 12,5% cổ phần và lưu trữ toàn bộ dữ liệu người dùng Mỹ trong hệ thống của họ để tuân thủ quy định an ninh quốc gia, trong khi Walmart nắm 7,5%. Phần lớn hội đồng quản trị, giám đốc điều hành và chuyên gia an ninh trong ban lãnh đạo sẽ là người Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó bày tỏ ủng hộ thỏa thuận. "Tôi chấp thuận phương án thực hiện thương vụ này. An ninh sẽ được bảo đảm 100%", ông nói với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng hôm 19/9, nhưng thừa nhận thương vụ này vẫn phải có sự chấp thuận từ Trung Quốc trước khi được thực hiện.
Bộ Thương mại Mỹ cũng thông báo lùi kế hoạch cấm người dùng ở Mỹ tải ứng dụng TikTok đến ngày 27/9, muộn một tuần so với dự kiến. "Quyết định được đưa ra trong bối cảnh có những diễn biến tích cực gần đây", cơ quan này ra thông cáo cho hay.
TikTok có khoảng 100 triệu người dùng ở Mỹ, đặc biệt phổ biến ở người trẻ tuổi, đang trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Chính quyền Trump gần đây tăng nỗ lực để loại các ứng dụng "không đáng tin cậy" của Trung Quốc, gọi TikTok cùng WeChat là "những mối đe dọa đáng kể".
Trump tháng trước ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức nằm trong quyền tài phán của Mỹ giao dịch với ByteDance nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia". Ông cũng đặt thời hạn 20/9 cho ByteDance phải đạt thỏa thuận bán hoạt động tại Mỹ hoặc đối mặt với bị đóng cửa.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trước đó khẳng định cơ sở an ninh quốc gia mà Mỹ sử dụng để "đàn áp các công ty Trung Quốc" là "không có căn cứ", nhấn mạnh doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh theo quy tắc quốc tế và luật pháp Mỹ.
VietBF@sưu tập