Với bố mẹ quá tiết kiệm, sự 'nghèo đói' về vật chất có thể làm hỏng thế giới tinh thần và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Mộng Mộng và chồng sống ở thành phố Bắc Kinh. Họ đều là công nhân nghèo, thu nhập thấp nên phải kỹ lưỡng trong chi tiêu, ngay cả việc học của cậu con trai duy nhất. Khi Tiểu Tĩnh, con trai cô, muốn mua sách và truyện tranh, người mẹ này thường khuyên: "Đến hiệu sách đọc thôi, như thế tiết kiệm được tiền". Cậu bé làm theo lời khuyên của mẹ.
Tiểu Tĩnh lớn lên cùng thói quen tằn tiện, không mua bất cứ thứ gì để giải trí, chưa nói đến việc đi chơi với đồng nghiệp sau giờ làm việc. Trong mắt anh, những việc đó đều "vô dụng, lãng phí". Mọi người dần xa lánh.
Việc nuôi dạy con như Mộng Mộng thực sự tốt cho trẻ?
Dạy trẻ tiết kiệm trong cách tiêu tiền thay vì cắt hết khoản chi tiêu vặt của con. Ảnh: sohu.
Cha mẹ tằn tiện, con sẽ chịu 3 tác hại lớn
1. Tầm nhìn hạn chế
Tổng biên tập tạp chí "Fortune" từng nói: "Tầm nhìn của một người quyết định kết cục của anh ta". Người Trung Quốc xưa có câu: "Cái bánh dù lớn đến đâu cũng không thể to hơn bánh xèo", hàm ý kích thước chiếc bánh không thể lớn hơn cái chảo. Trong cuộc sống, tầm nhìn của chúng ta cũng bị giới hạn bởi khuôn mẫu của chính mình.
Tầm nhìn phụ thuộc phần lớn vào sự giáo dục mà mỗi người nhận được khi còn nhỏ. Nếu cha mẹ luôn để con cái quan tâm đến những lợi ích trước mắt, trẻ sẽ mất khả năng làm chủ tình hình chung. Những đứa trẻ này lớn lên sẽ không còn nhìn vấn đề theo cách vĩ mô và mất kiểm soát về tương lai.
2. Trở nên tham lam
Khi đi dự đám cưới, không ít khách mời bốc thuốc lá, bánh kẹo cho đầy vào túi. Họ còn kêu con cái sang bàn khác lấy mang về. Thực ra đây không còn là tằn tiện nữa mà là sự tham lam. Những đứa trẻ với sự giáo dục như vậy ít nhiều sẽ thừa hưởng tính tham của cha mẹ.
Một khi đã hình thành thói quen như vậy, trẻ rất khó có bạn. Dù có tiền nhưng chúng luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ "Sẽ bị người khác lợi dụng" nên không dám chi tiêu vào việc gì.
3. Thiếu tự tin
Những đứa trẻ lâu ngày không được thỏa mãn về vật chất thường có xu hướng tự ti về bản thân. Nguyên nhân là do trẻ nghĩ bản thân "không xứng đáng" với những điều tốt đẹp, và mất đi dũng khí để theo đuổi vật chất. Cũng có phụ huynh tiết kiệm đồ ăn thức uống, để dành hết cho con cái. Nhưng việc làm này ít nhiều sẽ gây tổn hại cho trẻ bởi chúng luôn cảm thấy có lỗi với cha mẹ mình.
Những thứ cha mẹ không nên tiết kiệm dù nghèo đến đâu
1. Giáo dục
Theo các nhà nghiên cứu, giáo dục là cách nhanh nhất giúp bạn kiếm tiền và kiếm được nhiều hơn người khác. Đây là một khoản chi vô cùng đáng giá khi mang lại kiến thức nền tảng để trẻ có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình sau này. Chi tiền cho các nhu cầu liên quan đến giáo dục không bao giờ là thừa. Nhiều gia đình thậm chí vay tiền để phục vụ cho nhu cầu giáo dục của con mình.
2. Chế độ dinh dưỡng
Nếu không được bổ sung dinh dưỡng trong quá trình phát triển thì trẻ sẽ tụt hậu rất nhiều về thể lực và trí tuệ. Không nên vì quá tiết kiệm mà cha mẹ hạn chế dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ.
3. Những chuyến du lịch
Nhà văn Mỹ Hemingway từng nói: "Những nơi bạn đã đến khi còn trẻ sẽ theo bạn mãi mãi". Nếu trẻ nhìn thấy nhiều hơn, sự hiểu biết của con sẽ tăng lên. Hãy đưa con ra ngoài để ngắm nhìn thế giới càng nhiều càng tốt. Nếu không có điều kiện bạn cũng nên kể cho con nghe về thế giới bên ngoài và tìm hiểu thêm các nền văn hóa, phong tục khác nhau.
Nhiều cha mẹ cũng vì muốn tiết kiệm mà cắt hẳn tiền tiêu vặt của con. Nhưng cần cho trẻ cơ hội tiêu tiền và giáo dục trẻ cách tiết kiệm thông qua hoạt động thực tế đó.