Trung Quốc vô tình "tiếp sức" cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ? Nikkei Asian Review đưa tin, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đạt được những bước tiến đáng kể nhờ sự “ủng hộ” của chính Bắc Kinh.
Tàu chiến USS Montgomery lớp Independence của hải quân Mỹ (ảnh: CNN)
Những động thái quyết liệt, táo bạo của Trung Quốc với Hong Kong, Đài Loan, Biển Đông, biển Hoa Đông và cả biên giới với Ấn Độ đang khiến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đạt được sự đồng thuận chưa từng có. Nhiều quốc gia tỏ thái độ không hoan nghênh sự áp đặt của Trung Quốc với khu vực, tờ Nikkei bình luận.
“Hành động thiếu thiện cảm của Trung Quốc đang khiến nhiều quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đoàn kết và hợp tác với Mỹ nhiều hơn. Nếu các mối quan hệ tiếp tục phát triển theo hướng này, Trung Quốc đang tự cô lập mình”, Derek Grossman – chuyên gia phân tích quốc phòng, cựu cố vấn Lầu Năm Góc – nhận xét.
Đối phó với Trung Quốc, vai trò nhóm Bộ Tứ gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ được nhắc tới ngày càng nhiều trong thời gian gần đây.
Hôm 1.7, Bộ Quốc phòng Úc công bố chính sách phát triển lực lượng theo hướng kiềm chế Trung Quốc.
Ngày 14.7, Nhật Bản công bố sách trắng quốc phòng, lên án các hành động đơn phương nhằm “thay đổi hiện trạng vùng biển quanh đảo Senkaku bằng sự cưỡng ép”.
Mỹ liên tục chỉ trích những hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi đó, căng thẳng biên giới Trung - Ấn rơi vào bế tắc những ngày gần đây.
Ở Đông Nam Á, hôm 29.7, Malaysia đệ trình lên Liên Hợp Quốc công hàm bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc về Biển Đông.
Hành động thiếu thiện chí của Trung Quốc khiến các quốc gia xung quanh dè chừng, theo chuyên gia (ảnh: Reuters)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng hoãn ra quyết định chấm dứt thỏa thuận quân sự với Mỹ, một phần do lo ngại hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Indonesia hôm 22.7 tổ chức tập trận lớn trong khu vực với thông điệp ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế.
Cách hành xử của Bắc Kinh cũng khiến nhiều quốc gia ngoài khu vực lên tiếng ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, nổi bật là Anh và Pháp.
“Nếu không nhanh chóng khẳng định lại quan hệ với các nước, Trung Quốc có lẽ chỉ còn vài người bạn trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, ví dụ như Triều Tiên hay Pakistan. Điều đó sẽ là rất tệ với Bắc Kinh”, ông Derek Grossman nhận xét.
Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian gần đây, Ngoại trưởng Vương Nghị và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa của Trung Quốc liên tục có các chuyến thăm tới các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc đang cố gắng hàn gắn lại các mối quan hệ đã rạn nứt với những quốc gia thuộc Ấn Độ - Thái Bình Dương khi Mỹ gia tăng tầm ảnh hưởng.
VietBF@ sưu tầm.