Thượng nghị sĩ Cruz kêu gọi Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra hình sự với Twitter vì "vi phạm lệnh trừng phạt Iran".
Trong một bức thư gửi Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ William Barr và Bộ trưởng Tài chính Stephen Mnuchin hôm 29/5, Thượng nghị sĩ Cộng hoà Ted Cruz, đại diện bang Texas, kêu gọi các cơ quan này mở cuộc điều tra hình sự đối với Twitter.
"Tính gắn kết và hợp pháp của luật pháp chúng ta dựa trên việc áp dụng bình đẳng đối với mọi công dân và thực thể, bất kể lớn hay mạnh như thế nào", thư của ông Cruz viết.
Nguyên nhân ông Cruz đưa ra là Twitter đã cho phép lãnh đạo cấp cao Iran lập tài khoản, vi phạm lệnh trừng phạt mà Washington áp với Tehran, trong đó ngăn cung cấp các dịch vụ hoặc hàng hóa cho các quan chức quốc gia Hồi giáo.
Mạng xã hội Twitter bị chặn ở Iran. Các tài khoản Twitter mà ông Cruz nhắc đến gồm tài khoản của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.
Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz phát biểu tại trụ sở quốc hội ở Washington D.C, tháng 12/2019. Ảnh: Reuters.
"Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp nên điều tra nghi vấn Twitter vi phạm trắng trợn Đạo luật Quyền Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) và Sắc lệnh E.O.13876, bằng cách cung cấp dịch vụ cho Khamenei và Zarif, các thực thể Iran khác", ông nói, thêm rằng Twitter cần thu hồi quyền truy cập của các nhà lãnh đạo Iran, dù Twitter khẳng định họ không vi phạm lệnh trừng phạt.
IEEPA và E.O.13876 là các quy chế Washington đề ra về việc áp trừng phạt với các quan chức ở Tehran. Twitter hôm 29/5 từ chối bình luận về sự việc.
Đề nghị điều tra của nghị sĩ Cruz được đưa ra trong bối cảnh căng giữa Nhà Trắng và Twitter gia tăng tuần qua. Mạng xã hội này gắn mác một số dòng tweet của Tổng thống Mỹ Trump là "cổ súy bạo lực", "thông tin cần kiểm chứng". Tổng thống Mỹ đáp trả bằng cách ký sắc lệnh về các công ty mạng xã hội.
Sắc lệnh của Trump kêu gọi các cơ quan chính phủ đánh giá liệu những nền tảng online có đủ điều kiện để bảo đảm trách nhiệm pháp lý cho những nội dung do hàng triệu người dùng đăng tải hay không. Theo đó, Bộ Thương mại sẽ yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang đưa ra các quy định mới làm rõ khi nào hành vi của một công ty vi phạm Điều 230, khiến các công ty công nghệ có thể dễ dàng bị kiện hơn.
Tổng thống Mỹ gọi đây là "động thái bảo vệ tự do ngôn luận của Mỹ" trước việc các mạng xã hội "có thể tùy ý kiểm duyệt, hạn chế, chỉnh sửa, che giấu, thay đổi mọi hình thức liên lạc giữa các công dân và công chúng mà không bị kiểm soát". Đại diện công ty Twitter cáo buộc sắc lệnh mạng xã hội được Tổng thống Mỹ là "phản tiến bộ và chính trị hóa".
Sắc lệnh của Trump có thể thay đổi tiền lệ từ hàng chục năm qua, coi những nền tảng mạng xã hội trên Internet là nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm với nội dung do người dùng tạo ra.
VietBF @ Sưu tầm