Những dấu hiệu này nếu bạn gặp thì tốt nhất nên đi khám sàng lọc ung thư. Mọi trường hợp chảy máu dù ít hay nhiều (ngoại trừ có tác động ngoại lực) đều báo hiệu bất thường của cơ thể. Nếu một trong ba dấu hiệu sau diễn ra trong thời gian dài, bạn cần đi khám sàng lọc ung thư sớm.
Ho
Ho là một phản ứng sinh lý bình thường khi cơ thể muốn loại bỏ vật lạ. Nếu không bị viêm họng hay có sự kích thích của môi trường bên ngoài thì việc ho dai dẳng nên gây chú ý, đặc biệt là ho ra máu vì đó có thể là tín hiệu của ung thư phổi. Khi các tế bào khối u gây áp lực khí quản, nó có thể gây vỡ các mạch máu trong phổi, gây ra máu trong đờm.
Máu trong phân - ung thư đường ruột
Khi đi phân ra máu thường xuyên, là dấu hiệu của khối u trong đường tiêu hóa đang phát triển. Khi bề mặt khối u vỡ và chảy máu, nó sẽ được thải ra ngoài theo phân. Tùy thuộc vào vị trí chảy máu, máu sẽ xuất hiện màu đỏ tươi, đỏ sẫm hoặc đen.
Chảy máu mũi
Tình trạng chảy máu mũi dễ bị nhầm lẫn với việc tổn thương niêm mạc mũi do sổ mũi hoặc dị ứng. Tuy nhiên, việc chảy máu mũi diễn ra bất thường có thể là dấu hiệu của ung thư máu hoặc ung thư vòm họng. Vì vậy nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên và không có dấu hiệu thuyên giảm bạn cần đến bệnh viện kiểm tra ngay.
Để bảo vệ sức khoẻ bên cạnh việc nhận biết các dấu hiệu sớm của ung thư, bạn cũng cần duy trì những thói quen tốt:
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày:
Việc tập thể dục giúp thúc đẩy nhanh quá trình trao đổi chất trong tế bào, tăng tiết mồ hôi, giúp đào thải các độc tố, cặn bã trong cơ thể ra bên ngoài. Tập thể dục còn giúp bạn giữ được một trọng lượng cơ thể hợp lý, hạn chế tích tụ mỡ thừa trong cơ thể. Những người thừa cân, béo phì có nguy cơ ung thư cao hơn những người bình thường.
- Ăn ít thịt đỏ, thịt chế biến sẵn:
Phân tử Neu5Gc trong thịt đỏ, thịt chế biến sẵn được cho là một trong những thủ phạm gây ra ung thư. Phân tử này tồn tại trong các loại thịt đỏ, khi đi vào cơ thể, các phân tử này dễ bị kẹt trong các mô, khiến hệ miễn dịch nhận diện chúng như một mối đe dọa, từ đó sản xuất ra các kháng thể để ngăn ngừa. Tình trạng này lặp đi lặp lại gây ra tình trạng viêm mạn tính, tăng nguy cơ hình thành khối u.
- Ăn nhiều rau xanh, đặc biệt là rau họ cải:
Các nghiên cứu dịch tễ cho thấy, những người ăn nhiều rau xanh, đặc biệt là các loại rau họ cải như bông cải xanh, bắp cải, cải bó xôi giúp ngăn ngừa ung thư. Trong các loại rau này một hợp chất giúp kích hoạt hệ thống thải độc, ngăn ngừa ung thư có tên là sulforaphane.
- Hạn chế rượu bia, bỏ ngay thuốc lá:
Xác suất sinh ung thư thực quản tăng gấp 18 lần nếu uống mỗi ngày hơn 80g rượu (tương đương với khoảng 3 ly bia). Và hút thuốc lá đi kèm với việc uống bia có thể làm cho tỉ lệ này tăng lên 4 lần.
- Tránh xa đồ ngọt:
Việc cắt giảm lượng đường tiêu thụ trong chế độ ăn hằng ngày là một bước quan trọng trong chiến lược phòng ngừa ung thư. Đường là thức ăn ưa thích của các tế bào ung thư. Có thể bạn chưa mắc ung thư nhưng trong cơ thể mỗi chúng ta luôn tồn tại một số lượng các tế bào tiền ung thư. Ăn nhiều đường là bạn đã vô tình nuôi các tế bào này, khiến cho ung thư có cơ hội phát triển dễ dàng hơn.
- Giữ cho tinh thần luôn thoải mái:
Căng thẳng, stress làm giảm khả năng miễn dịch. Hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư, bằng cách phát hiện ra các tế bào bất thường, rồi sửa chữa hoặc tiêu diệt để không cho các tế bào này có cơ hội phát triển thành tế bào ung thư. Stress khiến cho hệ miễn dịch yếu đi và không còn đủ sức để bảo vệ cơ thể.