Sống sót sau "hành trình tử thần" tới Anh, cuộc sống của người Việt không phải như mơ. Nhiều cô gái Việt ngày làm nail, đêm bị ép bán dâm. Vậy mà ở Việt nam, người nhà đâu có biết?
Nhiều gia đình vay mượn ra cả tỷ đồng làm lộ phí cho người thân tới Vương quốc Anh để họ có được công việc trong mơ, kiếm được nhiều tiền mà không hề biết rằng những người đi lậu nếu may mắn sống sót sau "hành trình tử thần" thì sẽ phải tiếp tục đối mặt với muôn vàn cay đắng, cực khổ ở "miền đất hứa".
Thực tế phũ phàng, không như mơ
Theo The Sun, hàng nghìn người Việt đang làm việc như "nô lệ thời hiện đại" trong các tiệm nail chật chội, thiếu an toàn ở Anh sau khi bị bọn buôn người lừa tới "miền đất hứa" làm việc nhẹ nhàng, lương cao chót vót. Họ phải làm việc 60 giờ/tuần với mức lương bèo bọt hoặc thậm chí không được trả lương.
Nhiều người bị bọn buôn người lừa đến Anh làm việc không công hoặc với mức lương "bèo".
Mặc dù phải trả tới 39.000 bảng Anh cho những kẻ buôn người để tham gia vào chuyến đi theo dạng "VIP" tới Anh, song những người di cư vẫn phải trải qua một hành trình dài vô cùng vất vả, nguy hiểm, rất dễ mất mạng nơi đất khách quê người, tương tự như trường hợp của 39 người bị phát hiện chết trong xe container ở thị trấn Grays, hạt Essex ở Anh hôm 23/10 vừa qua.
Nếu may mắn vượt qua được hành trình "tử thần" và tới được Vương quốc Anh, không ít người di cư lại bị những kẻ buôn lậu khống chế, ép phải làm việc như nô lệ để trả nợ cho chuyến đi. Sống sót sau hành trình kinh hoàng đến Anh, cơn ác mộng mới lại mở ra trước mắt họ. Không chỉ bị các ông chủ tiệm nail bóc lột, một số người thậm chí bị ép đi bán dâm hoặc bán ma túy.
Cảnh sát Anh cho biết, mặc dù nhiều tiệm nail và tiệm làm đẹp làm ăn đàng hoàng, uy tín, ngành công nghiệp này vẫn trở thành một điểm nóng của nạn bóc lột lao động.
"Tôi kết thúc công việc sau những giờ làm việc dài đằng đẵng, chỉ kiếm đủ tiền để ăn mì mỗi đêm", cựu nhân viên tiệm nail người Việt tên là Li Tan, người sống sót sau hành trình đầy nguy hiểm đến Anh khi mới 15 tuổi cho biết.
"Bóc lột lao động trong các tiệm làm móng là một trong những điều phổ biến nhất trong "vấn nạn nô lệ thời hiện đại" ở Anh," ông Hardeep Walker, thuộc Cơ quan tội phạm quốc gia (NCA) chia sẻ.
Các điều kiện làm việc trong tiệm nail thường không đảm bảo. Không gian tiệm thường rất nhỏ và chật chội cũng như nồng nặc mùi hóa chất mạnh. Người bóc lột sẽ có mặt trong tiệm, thường ngồi ngay trước cửa tiệm để đón khách và thực hiện việc thanh toán cũng như để ý đến người làm.
Li ban ngày phải làm việc ở tiệm nail cả chục giờ đồng hồ nhưng ban đêm cô còn bị bọn buôn người ép bán dâm để trả nợ cho chúng. Tiệm nail nơi cô làm việc vào ban ngày ban đêm cũng chuyển đổi thành một nhà thổ.
"Tôi bị hãm hiếp và lạm dụng tình dục bởi nhiều người đàn ông khác nhau", báo Anh The Sun dẫn lời Li.
Nạn buôn người, bóc lột lao động Việt ở Anh
Để các nạn nhân trẻ tuổi giữ im lặng, ngoan ngoãn làm việc, các băng đảng buôn người thường đe dọa nếu họ báo cảnh sát, họ sẽ bị trục xuất về nước ngay lập tức. Vì sợ, những nạn nhân làm việc trong các tiệm nail bóc lột của Anh thường tránh giao tiếp hoặc trò chuyện với khách cũng như bất cứ ai khác.
"Chúng thường nói với các nạn nhân rằng: "Chúng mày đang ở Anh bất hợp pháp. Nếu chúng mày chạy trốn hoặc tiết lộ bất cứ điều gì, thì chúng mày sẽ bị trục xuất về nước", Laura Durán thuộc tổ chức từ thiện Mọi trẻ em được bảo vệ chống lại nạn buôn người (ECPAT) ở Vương quốc Anh chia sẻ với Sun Online.
Năm 2016, 2 chủ tiệm nail đã bị bắt và bị tuyên án 5 năm và 4 năm tù vì tội ép buộc các cô gái trẻ Việt Nam phải làm việc mà không được trả lương trong các tiệm làm móng ở Anh.
Chủ tiệm nail bóc lột lao động Thu Huong Nguyen
và Viet Hoany Nguyen
Thu Huong Nguyen và Viet Hoany Nguyen đã buôn bán các nạn nhân giữa các tiệm nail "theo nhu cầu" và bóc lột họ, cơ quan truy tố cho biết.
Cùng năm đó, 280 tiệm nail đã bị cảnh sát khắp London, Cardiff và Edinburgh đột kích, dẫn đến 97 vụ bắt giữ, trong nỗ lực giải quyết vấn nạn bóc lột lao động, sử dụng lao động bất hợp pháp.
Trước đó 6 năm, "gã trùm người Việt, Do Huan Nguyen, kẻ đưa lậu hơn 50 người Việt Nam sang Anh làm việc trong các nhà máy dược phẩm và tiệm nail cũng bị bắt và bị dẫn độ về nước.
Năm ngoái, hơn 700 nạn nhân người Việt của nạn buôn người được xác định ở Anh, nhưng theo The Sun con số thực sự cao hơn nhiều vì hầu hết người lao động không có giấy tờ.
VietBF@ sưu tầm.